Tại sao giới trẻ không thích vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ?
Trần Quốc Tuân
Nhân dịp báo Dân Trí trên Internet cuối tháng Giêng vừa qua có đăng bài báo với đề tài “Tại Sao Nhiều Bạn Trẻ Không Thích vào Đảng” thì tôi, với nhãn quan của một người trẻ thuộc thế hệ 8X, xin góp ý đôi lời.
Qua thu thập ý kiến trên Facebook, tôi biết rằng có bạn không vào Đảng vì vào Đảng là phải đóng Đảng phí. Bạn khác lại cho rằng vào Đảng phải đủ tiêu chuẩn “ba đời gia đình cách mạng” và khi vào Đảng sẽ bị mất tự do, vì phải “trung thành” với Đảng và phải tuân theo chỉ thị của Đảng... Vài bạn khác thì cho rằng, vì không đồng tình với những chính sách của Đảng về kinh tế, môi trường, quốc phòng, và đối ngoại, đặc biệt là với Trung Quốc, nên không muốn vào Đảng.v.v.... Thế nhưng tôi lại cho rằng, những lí do nêu trên chỉ là những lí ngọn, đơn lẻ trong muôn vàn nguyên do khiến giới trẻ không muốn gia nhập Đảng CSVN. Tôi xin nêu ra hai nguyên do, mà tôi cho là gốc rễ của vấn đề, sau đây. Mong được các bạn gần xa góp ý:
Lí do cơ bản thứ nhất khiến giới trẻ Việt Nam không đến với Đảng đơn thuần là vì Đảng CS không được dân chọn ra và bầu lên để lãnh đạo đất nước. Với phương pháp “Đảng Cử, Dân Bầu” - đúng ra là "Đảng Cử rồi ép Dân Diễn Tuồng - hiện nay các cuộc bầu cử đều không tự do và cũng chẳng công bằng. Lá phiếu không mang ý nghĩa “thể hiện nguyện vọng của người dân”, nên các cuộc bầu cử chỉ là những màn trình diễn để hợp thức hoá những gì đã được đảng sắp xếp. Nói một cách khác, Đảng CSVN tự mệnh danh nhân dân để cướp quyền lãnh đạo từ năm 1945 tại miền bắc và từ sau năm 1975 trên cả nước, chứ không phải do người dân lựa chọn. Với công cụ bạo lực là công an và quân đội, Đảng tùy ý đàn áp và tiêu diệt những tiếng nói trái chiều với Đảng. Điển hình và gần đây nhất là vụ xét xử 16 nhà dân chủ, chỉ vì những người này đấu tranh ôn hoà cho nền dân chủ hay treo biểu ngữ chống tham nhũng, đặc biệt là chống trò bá quyền của Trung Quốc.
Cho nên, trước sự đàn áp của các thế lực chỉ biết điên cuồng bảo vệ Đảng, trừ những người dũng cảm nêu trên, người dân nói chung và giới trẻ nói riêng, phải im lặng cam chịu vì tâm lý cầu an. Thế nhưng, trong lòng họ là những ngọn lửa đang bừng bừng cháy. Đến nỗi, dù trong hoàn cảnh khắt khe hiện nay, họ vẫn tìm đến blogs và các diễn đàn trên Internet để phần nào xả bớt bức xúc trong lòng. Cho nên, chuyện người dân nói chung và giới trẻ nói riêng không vào Đảng là chuyện nước chảy xuôi dòng. Tuy nhiên, cũng vẫn có một số người trẻ tìm đến Đảng, nhưng các bạn này vào Đảng không để phục vụ hay lãnh đạo, mà vào để cậy thế để tiến thân trong công việc, hoặc để làm kinh tế, tư lợi, và sẽ bị cuốn hút trong guồng máy tham nhũng của đảng, hoặc là sẽ bị guồng máy này nghiền nát nếu họ trong sạch. Vì vậy, những thành phần này gia nhập Đảng không để cứu nguy hay gia tăng sức mạnh cho Đảng, mà làm mất thêm uy tín, làm Đảng thêm rệu rã. Do đó, thành phần này có thể còn gây nguy hiểm cho đảng hơn là những người trẻ không gia nhập Đảng.
Lí do thứ hai làm giới trẻ không gia nhâp Đảng là vì những lí tưởng mà người CS theo đuổi giờ đây chỉ là những lí tưởng không tưởng, trái ngược sự thật. Những lí tưởng khi xưa để gia nhập Đảng CS như xây dựng “xã hội đại đồng, văn minh, công bằng” giờ đây chỉ còn là những điều nói xuông quá nhàm chán. Bằng cách tìm hiểu thông tin đa chiều, giới trẻ giờ đây đã biết rằng các nước dân chủ như Nhật, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan không cần đến lí tưởng Cộng Sản, nhưng xã hội họ vẫn “đại đồng, văn minh, công bằng và giàu mạnh” hơn Việt Nam nhiều; và họ vẫn là cái đích mà Việt Nam mong để bắt kịp. Ở các quốc gia này, người dân có quyền phản biện và phản đối những chính sách sai trái của nhà nước. Với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, những tiếng nói phản biện tạo được áp lực rất lớn, bắt buộc nhà nước phải quan tâm, điều chỉnh những chính sách không được lòng dân; nếu không, qua lá phiếu trong những cuộc bầu cử trong sáng, người dân sẽ thay đổi và bầu ra người khác thay thế họ lèo lái quốc gia. Khi cần, người dân cũng dùng lá phiếu để truất phế người lãnh đạo. Một tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển giàu có và quyền qúy, nhưng khi tham nhũng vẫn bị xử tù chung thân. Một vài vị cựu tổng thống đầy quyền uy của Nam Hàn trước đây cũng đã bị đưa ra xét xử vì những tì vết khi họ tại chức....
Đấy mới thật sự là những xã hội đại đồng, văn minh, và công bằng.
Còn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CS thì sao? Vì không có tự do báo chí và không có nền pháp luật công bằng, nên Nguyễn Việt Tiến trong vụ PMU 18 làm thất thoát ngân sách 6 tỷ đồng nhưng vẫn được toà án của Đảng xử “trắng án” và được phục hồi đảng tịch. Về mặt dân sự thì việc truy cập các trang mạng xã hội như Facebook và Multiply bị chặn; các đài radio quốc tế như RFA và VOA thường xuyên bị phá sóng để bưng bít thông tin. Treo biểu ngữ chống tham nhũng hoặc chống Trung Quốc thôi, cũng đã bị vài năm tù. Về mặt tôn giáo thì tăng sinh Bát Nhã bị Công An và côn đồ đánh đập, truy bức. Thánh Giá Đồng Chiêm thì bị đập phá. Về mặt xã hội thì khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày một xa. Đặc biệt giới lãnh đạo, vì dùng quyền lực làm kinh tế nên cực kỳ giàu có. Tham nhũng, hối lộ thì tràn lan. Và đã gần 80 năm rồi nhưng lí tưởng xã hội “đại đồng, văn minh, công băng” không những chẳng thực hiện được (vì không ai thực hiện được những điều không tưởng) mà còn làm đất nước Việt Nam tụt hậu toàn diện so với các nước dân chủ trong vùng. Giới lãnh đạo đảng thay vì nhận thức được thực tế này để trân trọng những tiếng nói phản biện cũng như những người có lòng với đất nước, hầu có thêm bàn tay giúp nước, thì lại trù dập họ. Đồng thời chỉ loanh quanh bao biện cho những sai trái của đảng. Nước Nhật chỉ cần hơn 2 thập niên sau chiến tranh, họ đã vươn lên từ đống tro tàn để trở thành cường quốc kinh tế. Còn đảng thì vẫn đổ lỗi cho “chưa có kinh nghiệm quản lý” dù đã qua 35 năm hoà bình.
Đảng đòi “canh thức cho an ninh thế giới”, trong khi an ninh của ngư dân mình trên chính vùng biển của mình thì đảng lại chẳng dám bảo vệ. Giới trẻ đã nhận thức được tất cả những điều này. Cho nên nói chung họ không dại gì bước vào Đảng, để rồi phải chạy theo những lý tưởng không thể thực hiện; hoặc phải tuân hành những mệnh lệnh vô lý, phản dân chủ của đảng, hoặc của thành phần lãnh đạo vừa thiếu khả năng vừa vô đạo đức. Và giới trẻ cũng không dại vào Đảng để bị vạ lây hoặc bị làm dê tế thần trong những cuộc đấu đá, tranh giành tư lợi, quyền lực trong nội bộ đảng.
Vì những lí do căn bản nêu trên, tuổi trẻ Việt Nam nói chung không muốn gia nhập Đảng CS, vì họ biết rằng gia nhập đồng nghĩa với việc suy nghĩ, phát ngôn và làm việc theo đường lối do Đảng vạch ra. Mà thực tế đã chứng minh rằng, những phát ngôn và việc làm đó hoặc là sai trái hoặc là vô trách nhiệm đối với đất nước. Điều đáng buồn là tuổi trẻ Việt Nam cũng tin rằng những tiếng nói, những việc làm, những phản biện của họ, dù có đúng đắn đến đâu đi nữa, nhưng nếu trái chiều với Đảng thì rồi cũng sẽ bị dập tắt. Vì thế giới trẻ nói chung không chỉ tránh xa Đảng mà còn tránh xa luôn "chính trị". Và theo tôi, đó mới là mối nguy hại sâu thẳm và lâu dài cho đất nước - khi nguồn sinh lực chính của một quốc gia không còn thiết tha gì đến hướng đi và vận mạng tương lai của nước mình nữa, dù biết là đất nước đang suy thoái trầm trọng trong tay những kẻ bất xứng.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng các bạn nào thuộc thế hệ 8x dám vượt lên trên những ồn ào của đời sống hàng ngày để nhìn ra bàn tay tai hại của lãnh đạo Đảng CSVN đối với đất nước đã là chuyện khó; và tránh xa các dụ dỗ của Đảng đã là điều tốt. Và đáng mừng là đại đa số tuổi trẻ Việt Nam đã đang làm điều khó và điều tốt đó. Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ!
Chỉ cần nhìn ra các nước láng giềng trong khu vực, bạn sẽ thấy ngay chúng ta không thể tiếp tục im lặng chấp nhận cái nhục lạc hậu, không thể tiếp tục nhắm mắt cam chịu tình trạng băng hoại hiện nay của đất nước. Chúng ta phải tích cực quan tâm đến chính trị với tư cách của một người dân quan tâm đến vận mệnh đất nước. Giới trẻ chúng ta phải bắt đầu bằng những tiếng nói phản biện trước những sai trái ngay trước mắt. Chính chúng ta phải đánh thức dư luận, phải đánh thức sự quan tâm của dân tộc trước những hiểm họa đối với đất nước. Và hãy cùng bắt đầu bằng những việc nhỏ trong tầm tay, bằng một lời truyền miệng, bằng vài câu giải thích cho ngưòi bạn kế bên, bằng những bài viết trên blogs và các diễn đàn Internet, v.v...
Một người lên tiếng cách ba thước không ai nghe, nhưng nếu 40 triệu thanh niên Việt Nam đồng thanh lên tiếng thì trên Thiên Đình cũng sẽ nghe. Ý dân là ý trời. Hãy cùng tôi lên tiếng!
Trần Quốc Tuân
Friday, September 3, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment