*Đặng thiên Sơn
Xuân đến! nhà nhà nhộn nhịp đón Xuân. Người ta đón Xuân bằng nhiều hình thức trong đó, người Việt Nam việc đón Xuân nhân dịp Tết Nguyên Đán với các Lễ Hội đã thể hiện được bản sắc của dân tộc.
Không biết ngày Tết của dân tộc Việt Nam có từ bao giờ. Nhưng dựa theo những trang trí hoa văn trên mặt Trống Đồng Đông Sơn, thì những sinh hoạt lễ lạc của dân tộc Việt đã có mấy ngàn năm về trước từ thời Vua Hùng dựng nước.
Phải nói rằng, Tết là ngày Lễ Hội quan trọng nhứt của dân tộc Việt Nam. Bởi vì, Lễ là phần biểu hiện tâm linh sâu kín của con người. Còn Hội, là sự tập hợp vui chơi thể hiện phần văn hóa sinh động của đời sống. Cho nên Lễ Hội là một thể thống nhứt không thể tách rời và là một hiện tượng xã hội trải qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Lễ Hội lưu chuyển theo thời gian, do đó, trên đường đi nó tiếp nhận những điều mới mẻ của tư tưởng, tâm lý, văn hóa, nghệ thuật theo từng thời kỳ, từng thời đại. Lễ Hội vừa lưu giữ những cái cũ vừa tiếp nhận những cái mới để rồi trộn lẫn với nhau tạo thành các lớp lịch sử theo sự phát triển của cộng đồng, của xã hội, của đất nước. Chính vì thế Tết là dịp con người nhìn lại quá khứ để chuẩn bị khai mở, phát huy đời sống trên hai mặt tâm linh và vật chất cho tương lai.
Dầu là người Việt sống trong nước hay lưu vong nơi xứ người. Từ thành thị cho đến thôn quê. Trong ba ngày Tết tùy hoàn cảnh, người ta hay đến các Đình, Đền, Miếu, Chùa, nhà Thờ là nơi thờ phượng để cúng bái Thần, Thánh, Tiền Nhân, Giáo chủ tôn giáo. Bên cạnh những vọng tưởng thuộc về tâm linh, người ta còn tập hợp lại cùngnhau bày ra các trò chơi, các cuộc thi đua với nhiều hình thức. Mục đích vừa bảo vệ, vừa phát huy những giá trị truyền thống sẵn có.
Trong ba ngày Tết, dù không nói cho nhau nghe, nhưng chắc chắn ai cũng có những tâm nguyện trong lòng muốn thố lộ cùng trời đất. Tùy theo ý thức của từng cá nhân đối với quan hệ xã hội mà người ta khấn nguyện. Có những ước nguyện thể hiện lòng mong mõi chung. Tấm lòng chung thường dành cho quốc gia, dân tộc. Lòng riêng thì dành cho bản thân và gia đình. Như trước tiền đồ đen tối của đất nước, người Việt nào cũng muốn Việt Cộng sớm ngày sụp đỗ để dân tộc Việt sớm ngày có tự do, hạnh phúc, ấm no thật sự. Ai ai cũng muốn gia đình mình êm ấm, sức khỏe dồi dào, phát tài, con cháu thành người hữu dụng của xã hội. Tất cả những ước nguyện chung và riêng đầy lòng thành như vừa kể được gởi gấm cho Trời Đất, Thần, Thánh, Tiền Nhân. Tất cả những khấn nguyện gởi đến những “kẻ khuất mặt” vào giờ những giờ phút thiêng liêng này của năm mới, dù chưa biết tương lai ra sao, nhưng đã tạo được sự bình ổn tâm lý cho mọi người.
TẾT: Ngày lễ với phần tâm linh
Trong dịp Tết tại các thôn làng, thành thị bất cứ nơi nào có Đền, Chùa, Lăng, Miếu, người người đủ mọi lứa tuổi đã đưa nhau đến thăm viếng để cúng bái, dân hương, dâng quả để tỏ lòng sùng kính, biết ơn tiền nhân. Nhứt là ở miền Bắc nơi có nhiều di tích lịch sử về Đền, Miếu, Động, Đình, Chùa, nên những ngày đầu năm khách thập phương đến viếng đông nghẹt.
TẾT: Ngày tập hợp vui chơi hưởng thụ
Tết là ngày vui chơi quên mọi ưu phiền của năm cũ, là cơ hội để tập trung triển lãm những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, chính trị của cộng đồng.
Văn hóa, xã hội được thể hiện qua các trò giải trí cổ truyền như: Sân khấu chèo tuồng kim, cổ, múa lân, làm trò. Phái nữ thì thi về các bộ môn thuộc lãnh vực Công, Dung, Ngôn, Hạnh như: sắc đẹp, nấu ăn, may vá thêu thùa, trang phục, nuôi con, dệt vải, cầm -kỳ-thi-họa v.v… Còn nam giới thì khoe sức, khoe tài, khoe trí qua các bộ môn: đô vật, bơi thuyền, kéo co, chọi gà, chọi trâu, ném côn, chạy đua, bơi lội, bóng rỗ, bóng chuyền, đánh cờ, thi văn thơ v.v…
Kinh tế được thể hiện qua các sản phẩm, các sáng tạo tùy theo từng thời kỳ từ nông phẩm, thủ công đến kỷ nghệ. Ở làng xã Việt Nam vào những ngày Tết các sản phẩm có từ nông nghiệp được trình bày nhiều nhứt. Những sản phẩm nông nghiệp này được trình bày tại Hội Tết với kết quả thu hoạch làm người du Xuân thưởng ngoạn lý thú một cách bất ngờ.
Chính trị được thể hiện thành tích qua những hoạt động được trình bày bằng hình ảnh, báo chí, sách vở với tiến trình từng giai đoạn.
Quân sự được thể hiện qua các chiến cụ phát minh, các thành tích dựng nước, giữ nuớc của tiền nhân. Đối với Việt Nam những chiến thắng quân sự lẫy lừng của tiền nhân vào những ngày đầu Xuân trong thời kỳ giữ nước luôn luôn được nhắc nhở tới như:
-Mùa Xuân năm 40: Hai Bà Trưng đã phấùt cờ khởi ngghĩa đánh Tô Định, quân Nam Hán để “Đền nợ nước, Báo thù nhà”.
-Mùa Xuân năm 248: Bà Triệu (Triệu thị Trinh) dấy binh tại núi Nưa, Thanh Hóa để đánh đuổi giặc Ngô.
-Mùa Xuân năm 542: Lý Bí khởi nghĩa lập ra nước Vạn Xuân. ( đó là tên nước Việt Nam lúc bấy giờ)
-Mùa Xuân năm 939: Ngô vương Quyền đã đập tan mộng xâm lăng của quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng.
-Mùa Xuân năm 981: Dưới thời Lê Hoàn, Bạch Đằng Giang một lần nữa là nơi chôn xác hàng vạn quân thù nhà Tống.
-Mùa Xuân 1076 và1077: Trong hai mùa Xuân liên tiếp, đại tướng Lý thường Kiệt đã phá tan sào huyệt xâm lăng của quân Tàu tại ải Chi Lăng và trên dòng sông Cầu.
-Mùa Xuân vào những năm 1258, 1285, 1288, là những mùa Xuân các danh tướng Nhà Trần đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ với những trận lừng danh kim cỗ như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng Giang.
-Mùa Xuân 1418: Lê Lợi cùng với quân sư Nguyễn Trải khởi nghĩa tại núi Lam Sơn, mở đầu cho cuộc kháng chiến 10 năm chống giặc Minh.
-Mùa Xuân 1789: Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, tái chiếm thành Thăng Long trong tay giặc.
- Mùa Xuân Mậu Thân 1968 của Quân Dân VNCH đã đẩy luôn ý đồ xâm lăng của CSBV.
- Mùa Xuân năm 2009 Sinh viên, thanh niên, học sinh VN hải ngoại, các đoàn thể quốc gia và cộng đồng VN tại bắc California khởi đầu cho cuộc biểu tình lên án tố cáo VC và Trung Cộng thông đồng lấn đất và biển của VN tại toà lãnh sự của chúng tại San Francisco.
VÀI TỤC LỆ CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC VIỆT VÀO MÙA XUÂN
Ngày Tết, ngoài những tục lệ có tính cách đơn giản cho từng nhà như đưa Ông Táo, Dựng Nêu, Đón Tổ Tiên, Đón Giao Thừa, Xông Đất, Lì Xì v.v…Dân Việt còn có những tục lệ cỗ xưa quan trọng thể hiện nếp sinh hoạt văn hóa của một dân tộc lấy Nông, Ngư, nghiệp làm đầu.
TỤC ĐÁNH CÁ THỜ
Để nhớ ơn các vị thần linh đã thường xuyên phù trợ cho mình có cá ăn, các ngư dân vùng Trung du Bắc Việt người Mường-Việt có tục lệ đánh cá thờ thần vào dịp đầu năm mới.
Tại những làng có tục thờ đánh bắt cá, địa phương quy định hẳn một nơi để dân làng đến bắt cá để thờ. Vùng được quy định gọi là Láng Cá Thờ. Những làng có lệ cúng dâng cá mỗi năm đều có tổ chức thi đánh bắt cá. Làng nào bắt được con cá lớn nhứt được chọn để dâng cúng và trúng giải.
Ở Kẻ Giáp xã Tứ Xã, Phong Châu tục đánh bắt cá thờ bắt đầu vào tối 11 tháng chạp. Trong ngày này dân làng người mang nơm, kẻ mang dập, kẻ chèo thuyền lưới kéo nhau ra gò Đồng Đậu để đánh cá. Sau ba tiếng chuông của Tổng đánh báo hiệu, và khi ông Chủ tế hô to câu: “Dân làng ta xuống mà đánh cá đi thôi.” Thì mọi người ùn ùn, hò reo, ùa cả xuống nước để bắt cá, không khí thật náo động vui vẻ. Người xua cá, kẻ dập cá, tạo nên quang cảnh tưng bừng vui nhộn hơn bao giờ. Thời gian đánh bắt cá kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ (2 canh giờ), thì chuông Tổng đánh ba hồi báo hiệu chấm dứt. Mọi người phải lên bờ và tất cả cá bắt được đều bày ra.
Dưới ánh đuốc sáng rực, Ban Hội Tề của làng chọn ra hai con cá lớn nhứt, lấy một con mỗ bụng đem nướng liền để ngày hôm sau cúng thần ( tức ngày 12 tháng chạp). Con còn lại lấy bẹ chuối ép lại, đấp đất sét bên ngoài rồi ủ than trấu cho chín rục để dành vào tiệc đầu Xuân tổ chức ngày mồng 10 tháng giêng. Tất cả số cá còn lại được làng chia đều cho từng gia đình. Gọi là phần lộc thánh.
Làng Đào Xá (huyện Tam Thanh) mở hột đánh cá thờ vào ngày 28 tháng giêng. Lệ của làng này, là sau khi bắt đủ 28 con cá chép to, họ để nguyên con đem kho. Khi cá chín bày lên bàn thờ cúng Thần. Cúng Thần xong đem cá xuống chia cho mọi người ăn ngay tại sân đền. Gọi là lấy may.
TỤC MÚA GÀ PHỦ VÀ MỞ CỬA RỪNG
Tục này phát xuất từ xã Phú Lộc, huyện Phong Châu, Vĩnh Phú ở gần khu rừng Trám. Tại bìa rừng Trám có cái gò, cạnh gò có một ngôi đền nhỏ thờ thần Tản Viên và bộ hạ của ông là ông thần Hổ.
Vào ngày mùng 3 Tết , cụ Từ và cụ Chủ tế làng đến đền làm lễ tại hậu cung. Ýù như đến trình thánh và bộ hạ của ông. Kế đó, vào đêm mồng 6 Tết, cụ Từ cùng cụ Chủ tế lên đền rừng Trám làm lễ mở cửa rừng để chúc mọi người một năm mới săn bắt được nhiều thú rừng. Khi đi cụ Từ mang theo một cặp gà trống mái tơ. Cùng đi với cụ có một tốp trai gái làng số lượng bằng nhau. Nam thì đóng khố cởi trần, vai mang mỗi người một cây cung và ba mũi tên. Nữ mặc váy và yếm (không mặc áo), tay không.
Ra tới bìa rừng, sau khi thắp hương khấn vái xong, trai làng đặt cung tên lên bàn thờ. Cụ Từ và Chủ tế mang cặp gà vào hậu cung cúng và làm lễ mật khấu rồi đặt cặp gà trói sẵn ở cạnh đền. Cho đến khi nhang tàn, trai làng nhận cung tên, lúc này đãõ thành vũ khí thiêng bắn trăm phát trăm trúng. Mỗi trai làng đều dùng cung tên bắn vào cặp gà. Sau đó cặp gà bị cắt tiết.Tiết chúng trộn vào nhau và được đỗ xuống đất. Tiếp đến cuộc múa của người thợ săn bắt đầu. Tốp nam đóng vai những thợ săn thiện nghệ. Tốp nữ đóng vai những con mồi. Những động tác múa của đám nam nữ mô tả theo những hoạt động của người thợ săn rình rập mồi, và những động tác của con mồi khi bị bắt.
Cuộc múa gà phủ diễn ra chưa tàn một cây nhang, thì từng cặp nam nữ tìm chỗ khuất để thực hiện cầu giao phối. Đây là một lệ của nghi lễ. Sau đó cuộc lễ coi như hoàn tất, mọi người kéo nhau ra về.
TỤC MÚA MO
Tục
c múa Mo xảy ra ở Thanh Uyên, huyện Tam Thanh , Vĩnh Phú mở ra vào ngày mồng 7 Tết để tưởng nhớ bà Xuân Nuơng, nữ tướng của Hai Bà Trưng và cũng để tưởng nhớ đến Thần Nông.
Trong ngày lễ, làng cử một thày cúng giỏi, biết chữ, khỏe mạnh, không có tang chế trong gia đình đóng vai Chúa Mo cúng lễ.. Chúa Mo ăn mặc hết sức sặc sở: Quần đỏ, áo dài màu da đồng, chít khăn tím, thắt lưng hồng, áo cổ hình lá sen xanh, hai vai đan chéo hai cờ đuôi nheo đỏ viền vàng. Chúa Mo ngồi ở chiếu giữa sân đình trước hương án. Một tốp nam nữ thanh tân số lượng bằng nhau, đứng thành hai hàng thẳng bên chiếu.
Tới giờ hành lễ chiêng trống nổi lên. Chúa Mo đứng dậy tay cầm ba nén nhang nghi ngút khói, nhìn thẳng vào bàn hương án rồi bắt đầu múa, và hô:'Mời Thần Nông về hưởng lễ'.
Chủ tế quần trắng, áo thụng xanh, mủ tế, chân đi hia, đứng bên hương án hô tiếp:'Hú hú hô! Hú hú hô! Vua Mo đã về.' Trai gái hai hàng hú theo, nhắc lại ba lần.
Chúa Mo cắm hương, rút cờ múa, rồi hát:
“ Trong làng cây móc
Làng ta đi học
Là đỗ Tam Khoa
Là hú hú ha
La hú hú hơ”.
Trai gái hú theo hai câu cuối ba lần. Sau đó Chúa Mo hát tiếp:
“Trong làng cây muỗng
Làng ta làm ruộng
Lúa tốt đề đa
Là hú hà ha
Là hú hơ hơ”
Trai gái hai hàng lại lập lại hai câu cuối ba lần. Sau đó Chúa Mo chúc lành cho bá tánh. Tiếp đến chủ lễ lấy bánh dầy, bánh chưng, bánh bột nặng hình tằm, hình kén đưa cho Chúa Mo để dâng cúng Thần Nông. Dân cúng xong, Chúa Mo tung lễ dâng cho dân chúng đứng chung quanh giựt lấy. Gọi là cướp lộc thánh ban, với quan niệm lộc sẽ làm cho nhà nhà sinh con cái đề huề, đầy đủ, sung túc, ăn no, mặc ấm, suốt năm.
TỤC ƯƠNG BÈO HOA DÂU
Tục này được dân làng Miên, xã Quỳnh Đồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình mở hội vào ngày mồng 4 Tết. Làng Miên nổi tiếng về nghề ương bèo hoa dâu. Dân làng Miên ương bèo hoa dâu làm phân bón nổi tiếng khắp các tỉnh miền Bắc. Bón bèo hoa dâu lúa bén chân nhanh, mau lớn như thổi, lại sạch sẻ không hôi hám.
Vào sáng mồng 4 Tết khi tế lễ xong, mọi người trong làng đứng vậy vây quanh sân đình để thưởng thức một hoạt cảnh làm vui vẻ cho cả làng mình.
Tất cả những sinh hoạt đời sống hàng ngày đều được trình diễn tại sân đình với các ngành nghề Sĩ, Nông, Công, Thương.
Chỗ này thì ông đồ nho há rộng mồm ra oai, giảng giải chữ nghĩa thánh hiền trước đám học trò mặt mày ngơ ngác, sợ hãi. Chỗ kia anh lái buôn bày bán đầy đủ các mặt hàng với lời quảng cáo chào mời khách một cách hết sức hấp dẫn. Chỗ nọ bác thợ hồ, thợ nề, thợ mộc, canh cửi đang trổ tay nghề v.v…
Riêng tại giữa sân đình được đấp một khoảng nhỏ làm mảnh ruộng giả đang chứa đầy nước. Mặt nước được phủ bèo hoa dâu xanh mượt, nõn nà. Trên mảnh ruộng ấy có bác nông phu đang dắt trâu ( người giả trâu) cày ruộng. Thỉnh thoảng mấy con trâu này nhảy lên bờ vẩy bùn vào các cô thiếu nữ đứng xem, tạo nên những tràng pháo tay náo nhiệt. Tiếng hò reo của mọi người hòa với tiếng chiêng trống vang động khắp thôn làng.
TỤC SĂN CUỐC ĐẦU NĂM
Ở Vĩnh Phú các làng Thượng Lạp, Phú Thứ, Huy Ngạc, Tam Phúc, Đạo Đức... trong tiệc đầu Xuân đều có tục săn Cuốc. Truyền thống của tục này là bảo vệ mùa màng vì chim rừng như Cuốc, Trĩ, Gà gô thường về ruộng phá hại lúa non.
Vào ngày mồng 4 tết, sau cuộc tế lễ ở đình, dân làng hò reo, nỗi trống, nổi mỏ, nổi chiêng, phèn la kéo nhau đi lùng các hang cùng ngõ hẽm, bờ rào, bụi tre và khắp đồng ruộng để đi tìm săn chim Cuốc. Ai bắt được Cuốc đem trình sẽ được lãnh thưởng.
Ở Bắc Hà, làng Trà Xuyên, Quế Sơn mở hội bắt Cuốc vào ngày mồng 8 Tết. Sau khi tế ở đình làng xong, dân làng tụ tập ở sân đình. Sau ba hồi chiêng trống lệnh, mọi người xông ra đồng tìm bắt Cuốc. Khi nghe tiếng chiêng thu quân mọi người tập hợp lại với tất cả Cuốc bắt được. Làng làm thịt Cuốc để cúng thần, cúng xong đem chia cho mọi người cùng ăn nhậu, thật vui vẻ.
Ở Thái Bình tại làng Chiềng, Tam Nông, huyện Hưng Hà, vào sáng mồng 1 Tết, người trong làng từ già đến trẻ, gái, trai đều sẵn sàng gậy gộc trên tay đứng đợi lệnh của 'Lềnh' (Người chỉ huy cuộc săn) để ùa nhau ra đồng, bờ, bụi tìm bắt Cuốc. Cuốc bắt được đem vể làm thịt cúng thần, sau đó mọi người cùng chia nhau hưởng dụng.
Riêng tại làng Yên Đỗ, huyện Bình lục, Nam Hà, cuộc săn Cuốc diễn ra như sau: Mỗi năm vào ngày mồng 3 và 5 tháng giêng là ngày nghỉ Tết. Cày cấy đâu đã vào đó, dân làng có tổ chức ngày săn Cuốc để chống lại sự phá hoại mùa màng của giống chim rừng này. Trong cuộc săn các vị bô lão đi giữa đám đông, còn đi đầu và cuối làm đám trai tráng khỏe mạnh. Lúc đi săn kẻ khua cồng, người đánh chiêng lệnh, người hò reo, kẻ la, người hét inh ỏi, làm náo động cả một vùng khiến chim muông trốn trong các bụi rậm, bờ ao kinh hoàng bay, chạy, nhảy tứ tung tìm nơi ẩn nấp. Lúc đó là lúc chúng bị dân làng tóm cổ.
LỄ CẦU TẰM, CƯỚP KÉN
Những làng trồng dâu nuôi tằm thường có tục cầu tằm, cướp kén vào những ngày đầu Xuân. Những vườn dâu của các làng này được trồng theo hai bờ nước, nhìn đến hết tầm mắt vẫn chưa hết được màu xanh.
Làng Phan Dư, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phú mở hội vào ngày mồng 8 tháng giêng. Trong ngày này những con kén bằng nan tre nhuộm xanh, đỏ, vàng được buộc vào cây tre dựng trước cung tế. Làm tế lễ xong, Chủ tế trân trọng vác 'cây kén' ra cho làng giựt. Khi cướp được kén, người ta đem về buộc vào nương tằm với lời cầu mong tằm khỏe mạnh, cho ra tơ tốt.
Các làng Hương Nha huyện Thanh Tâm, Vĩnh Phú, làng Bàn Bạch huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú cũng làm lễ cướp kén vào tháng giêng.
TỤC RƯỚC LỤA VÂN SA
Tục này vào ngày mồng 5 Tếr hàng năm được dân làng Vân Sa, xã Tân Hồng, Huyện Ba Vì , Hà Tây mở hội.
Theo truyền thuyết Ngọc Hoa công chúa, vợ của Sơn Tinh thường cùng với chồng dạo khắp nước thăm hỏi dân tình. Ngày kia, hai người đến các bãi ven sông Thao, sông Hồng, Ngọc Hoa thấy các dãy đất mầu mỡ bỏ hoang phế lấy làm tiếc nên đã bày cho dân làng cách trồng dâu, nuôi tằm để dệt lụa. Tằm nhờ dâu đó đã cho ra nhiều tơ óng ả.
Được mùa lúa lại được mùa tơ tằm, Ngọc Hoa công chúa cho dệt những tấm lụa, tấm the lớn và đẹp để cống hiến vua cha. Đám rước lụa tiến vua của công chúa được toàn dân tổ chức thật linh đình. Đoàn rước lụa được chia thành hai tốp. Tốp thứ nhứt là những bà trung niên được tuyển lựa trước, dẫn đầu là những cô gái đẹp thanh xuân vác những né kén bằng tre, điểm loáng thoáng những lá dâu xanh bằng lụa. Những con nén được đẽo bằng gỗ xoan, có lỗ đục để luồn dây vào né. Kế kến là các thiếu nữ mặc toàn tơ lụa Vân Sa, tay mỗi cô cắp một rổ lá dâu. Phía sau các cô này là một kiệu hoa chất đầy tơ lụa quí giá do các cô thanh xuân khác khiêng, có tàng lộng che hai bên, có chiêng trống đánh lên gõ nhịp. Cuối cùng là tốp đàn ông, thanh niên. Đây là tốp trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh trong làng. Đám tráng niên này mặc áo lụa nâu, khăn đầu rìu, quần lụa màu, thắt lưng màu, vai vác cày hoặc cuốc, tay dắt những con trâu giả. Đám rước diễn hành lộng lẩy, trang trọng giữa làng.
Qua câu chuyện về lòng hiếu nghĩa của công chúa Ngọc Hoa đối với vua cha, dân làng Vân Sa từ đó hàng năm làm lễ rước lụa để ghi nhớ công ơn dạy nghề của công chúa, vừa để gìn giữ nghề quí của tổ tiên để lại.
Những cỗ tục Lễ Hội dân gian Việt nam còn nhiều không kể xiết. Nhưng qua những hoạt động vừa được trình bày ở trên, đã cho thấy sự tập hợp trong những ngày Tết là dịp để mọi người cùng tham gia, vừa trình diễn sáng tạo vừa thưởng thức hưởng thụ.
• Đặng thiên Sơn
Saturday, January 30, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment