Saturday, January 30, 2010

NHỮNG LỚP SÓNG TRÊN SÔNG DÀI, BIỂN RỘNG

Đọc lại những trang sử Việt Nam thời vong quốc xưa, người Việt còn thao thức quê hương, ai mà chẳng thấy xót xa thương các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.

Cụ Phan Bội Châu đã viết Hải Ngoại Huyết Thư gửi về cho đồng bào trong nước. Những câu mở đầu nghe thật ngậm ngùi:

“Người nước ta lạ rất là lạ
Nông nỗi này nghĩ đã biết chưa?
Hay là ngơ ngẩn ngẩn ngơ
Hay còn hờ hững như trò chuyện chơi...”

Cụ Phan viết thư bằng máu và nước mắt của người yêu nước, nhưng cứ lo ngại sự đón nhận thờ ơ. Trong thư, cụ đã phân tích các nguyên nhân đưa đến mất nước và các lý do giúp cho bạo quyền tồn tại mãi. Đó là:

1.- Một là vua, việc dân chẳng biết
2.- Hai là quan chẳng biết có dân
3.- Ba là dân chỉ biết dân, mặc quân với quốc, mặc thần với ai...

Nhận định của cụ Phan Bội Châu về tâm tính của người Việt ở giai đoạn đầu thế kỷ thứ 20, mà nay vẫn còn đúng. Chẳng những đúng với người quốc nội mà còn đúng ở cả hải ngoại nữa.

Thật vậy, cộng đồng Việt Nam Tỵ Nạn tại hải ngoại dĩ nhiên là không liên quan đến điều 1 và điều 2, nhưng điều thứ 3 thì khá đúng. Nhiều người Việt hải ngoại dường như chỉ biết có mình và gia đình mình, không quan tâm đến đất nước cũng như các sinh hoạt cộng đồng liên quan đến đất nước, đến dân tộc, đến nỗi khốn khổ của đồng bào trong nước. Họ theo chủ nghĩa “Mạckenoism”, mặc kệ ai muốn làm gì thì làm, nhưng những kẻ chống lại các cuộc tranh đấu của Cộng Đồng cho Dân Chủ, Nhân Quyền và Công Lý, liệt họ vào cái gọi là đa số thầm lặng để dựa vào mà quậy phá.

Một thiểu số khác, không tham gia các sinh hoạt, không dấn thân nhập vào cuộc đấu tranh của cộng đồng, nhưng cứ muốn làm thầy đời, lên tiếng dạy dỗ người khác phương pháp đấu tranh, chê bai phê phán hết cá nhân này đến cá nhân khác, đặc biệt là các thành viên tích cực của Cộng Đồng “mặc quân với quốc, mặc thần với ai”.

Họ nói cho sướng miệng, viết cho sướng tay, cho vơi những ẩn ức cá nhân, không cần biết đúng-sai, lợi hay hại, thật rất chi là thiếu trách nhiệm. Đây chính là nguyên nhân làm xáo trộn dư luận về cộng đồng người Việt Tỵ Nạn, tạo điều kiện cho tay sai cộng sản xuyên tạc, đánh phá công cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của cộng đồng Việt Nam Tỵ nạn cộng sản.

Bài mở đầu sách Việt Nam Vong Quốc Sử, cụ Phan Bội Châu viết:

“Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước! Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao phen lệ cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi chữ nào.”

Tại sao “bao phen lệ cạn huyết khô” mà không viết được chữ nào? Phải chăng sự tắt nghẽn này là do thiếu sự đồng tâm của các giới người Việt?

Về sự “thiếu đồng tâm”, cụ Phan Bội Châu đã tìm cách khơi dậy tư tưởng thương nước, ghét thù, trong người dân Việt để có thể đạt đến mục đích “Cử quốc đồng tâm” để đánh đuổi thực dân Pháp, như sau:

  • -Phú hào đồng tâm;
  • -Quan trường đồng tâm;
  • -Quốc gia tử đệ đồng tâm
  • -Thiên Chúa giáo đồ đồng tâm
  • -Thủy lục tập binh đồng tâm
  • -Du đồ hội đảng đồng tâm
  • -Thông ngôn, bồi bếp đồng tâm
  • -Cừu gia tử đệ đồng tâm (những con em trong nhà có thù sâu với giặc cùng một lòng)
  • -Hải ngoại du học đồng tâm
  • -Nữ giới đồng tâm.

Tức là mọi tầng lớp nhân dân cùng một lòng.

“Đồng Tâm” là một yếu tố quan trọng nhất để một dân tộc có thể đoàn kết để đứng lên chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Tại hải ngoại, “Đồng Tâm” là sức mạnh để xây dựng cộng đồng, chống bất công, hà hiếp và đấu tranh bền bỉ cho Dân Chủ, Nhân Quyền tại quê nhà.

Cộng Đồng Người Việt quốc gia tại Bắc California hiện nay đang có khủng hoảng về sự Đồng Tâm. Nguyên nhân đưa đến sự thiếu đồng tâm này là những dị biệt về suy nghĩ cá nhân và những nghi hoặc mơ hồ của cá nhân này đối với cá nhân khác, dẫn đến tình trạng bất đồng.

“Bất đồng ý kiến” là một sự kiện thông thường trong các sinh hoạt cộng đồng dưới chế độ dân chủ, tự do. Hầu hết các “bất đồng” đều có thể giải quyết qua các cuộc đối thoại ôn hòa, tranh luận thẳng thắn. Thế nhưng trong cộng đồng người Việt Tỵ Nạn, dường như rất ít có cơ hội để giải quyết bất đồng một cách thẳng thắn, thanh bình, tương kính, vì rất ít người có bản lĩnh để tự phán, tự xem xét lại giá trị ý tưởng của họ.

Hiện nay, đang có sự bất đồng giữa những người có cùng một mục tiêu tranh đấu, nhưng vì bênh nhóm này mà đả phá nhóm kia, khiến cho dư luận hoang mang về các sinh hoạt đấu tranh, và vận động trong mùa bầu cử sắp tới.

Có người hồ nghi Liên Đoàn Cử Tri có tham vọng khuynh loát Ban Đại Diện Cộng Đồng, có người hô hào “đã đến lúc nhường việc cho thế hệ trẻ” vân vân. Những bài báo, những bài viết trên internet, nói qua, nói lại như muốn khoét sâu vào vết bất đồng của cộng đồng, chứ chẳng đề ra được một giải pháp nào khả dĩ tạo nên sự đồng thuận.

Thật ra, thì chẳng hề có tham vọng khuynh loát của lớp trẻ, cũng chẳng mảy may có chuyện tham quyền cố vị của lớp người cao niên. Hiện tượng “Tre già măng mọc” là một quy luật tự nhiên. Măng còn non nớt cần có tre già. Tục ngữ Việt Nam có câu cụ thể hơn “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Măng chỉ có thể thay tre già khi măng đã trưởng thành.

“Già cậy con” là một mong muốn thiết tha của những người cao niên có ý thức và bản lĩnh. Người Việt còn có quan niệm “Con hơn Cha là nhà có Phúc”, do đó, không có vấn đề thế hệ trước không muốn truyền trao trách nhiệm chung cho thế hệ sau.

Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, các ông, cha đều mong mỏi được cháu con tiếp nối lý tưởng và công trình của mình. Nhưng vấn đề truyền trao này không thể tùy tiện và vô trách nhiệm, chỉ có thể truyền trao khi thế hệ kế tiếp đã thấm nhuần lý tưởng, có hoài bão và đã sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm đối với cộng đồng và dân tộc. Không thể nhường một cách vô điều kiện, không thể khẳng định thời điểm nào là “đã đến lúc” khi chưa đánh giá hoàn cảnh và con người một cách thận trọng.

Công tâm mà nói, thì cộng đồng Việt Nam Tỵ Nạn Bắc California cũng như các cộng đồng Nam Cali và Houston vân vân đã may mắn có được các nhóm thanh niên đầy tâm huyết, đủ năng lực, có ý thức quốc gia, dân tộc, chịu dấn thân tham gia các sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ cho các bậc cha anh trong công cuộc xây dựng cộng đồng, chống áp bức, bất công và đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ tại Việt Nam. Đồng hương San Jose cũng đã nhìn thấy sự vui mừng và tin tưởng của Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Bắc California khi Liên Đoàn Cử Tri được thành lập. Mọi người đều hy vọng lớp người trẻ này sẽ tiếp nối con đường chính nghĩa quốc gia mà lớp người cao niên đã đi qua.

Sách có câu “Trường Giang sóng sau đưa sóng trước”. Đây là hình tượng các thế hệ trước, sau, đưa đẩy và nương tựa nhau để duy trì dòng chảy của một cộng đồng, một quốc gia. Những lớp sóng biển, trước sau đều vỗ vào bờ. Hãy giữ vững niềm tin và hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ không đi lệch hướng của cha anh. Hãy giã từ những nghi ngờ để an tâm mà hướng dẫn, tô bồi và dẫn dắt các con em tiến tới mục đích thực hiện hoài bão xây dựng cộng đồng và đấu tranh giải thoát quê hương khỏi chế độ cộng sản bạo tàn.

Có tự tin thì mới có thể tin vào thiện chí của người khác. Từ niềm tin cộng đồng mới có thể tiến tới mối Đồng Tâm. Có đồng tâm mới có đoàn kết để chiến thắng sự dữ cùng những kẻ xấu.

TRUNG NGÔN (30-1-01)

No comments:

Post a Comment