Hồng Quang theo Good Housekeeping, Jan 20, 2010
Xã hội Mỹ là xã hội cạnh tranh, và đứa bé ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa học đường đã được dạy dỗ luôn phải tranh đấu, phải thi đua, phải khuất phục khó khăn để giành thắng lợi.
Nhưng số người thắng thì ít mà số kẻ bại thì nhiều. Đó là quy luật. Cứ nhìn một cuộc đua xe ta sẽ thấy ngay điều này. Vấn đề là làm sao để một thất bại nung đúc tinh thần quyết chiến của con, chứ không phải chán nản bỏ cuộc.
Carol Dweck, tiến sĩ tâm lý đại học Stanford nhận xét: “Một trong các nhiệm vụ của cha mẹ là xây dựng và bảo vệ sự tự tin của con cái, nhưng thật là sai khi nhiều người tưởng đâu cách hay nhất là làm ngơ trước các thất bại của con mình”.
Wendy Mogel, tác giả quyển “The Blessing of a Skinned Knee”, cho hay: “Bảo vệ con cháu thật sự là dạy chúng làm sao tự mình biết chống đỡ và thu dọn các thất bại, chứ không phải giang tay che chở cho chúng mọi lúc, mọi nơi”.
Đầu tiên bạn hãy biết khen cho đúng. Dù con bạn được điểm A hay điểm F, bạn đừng để ý đến thành tích này, mà hãy hỏi “Con đã học được cái gì?” Bà Dweck nói: “Trẻ con mà được khen về các cố gắng của chúng và chúng sẽ có khuynh hướng tiếp tục chiến đấu”.
Nếu con tiếp tục mang về điểm D, bạn nên nói: “Con đã cố gắng nhiều, rất đáng khen, nhưng có vẻ có cái gì đó con chưa hiểu, nào chúng ta hãy bàn về những cái đó xem sao”.
Làm sao cắt nghĩa cho con cháu biết sự thất bại không nằm ở kết quả vì nếu đứa bé không bị ám ảnh của thất bại thì nó sẽ tập trung hơn. Bạn nên nói: “Đối với mẹ, thành công có nghĩa là một người đã chuẩn bị hoàn toàn cho cái gì đó và tung hết mọi cố gắng. Đó mới là thành công”.
Bạn đừng “bọc đường” mọi việc cho con, nhất là nói cho con biết nhiều chuyện trên đời không bao giờ diễn ra theo ý mình mong muốn. Đừng bao giờ nói là lầm lẫn và thua cuộc là không xảy ra. Những kẻ thành công nhất chính là những kẻ từng bị thất bại nặng nhất và đã tìm cách vượt qua.
Ngoài ra bạn chớ có can thiệp quá sâu vào thất bại của con. Các nhà tâm lý cho là đây sẽ là chiến lược sai lầm nặng. Thường cha mẹ còn đau lòng hơn khi con mình thất bại, họ cứ tưởng đâu thất bại của con chính là của họ và họ tất tả lo bịt lại lỗ rò nước tràn vào. Nhưng các bậc cha mẹ sẽ sai lầm nếu tỏ ra “đau buồn nhiều hơn cả con mình”.
Đối với lớp trẻ từ 3 đến 5 tuổi, nếu chúng tỏ ra thái quá khi bị thua hay thất bại trong tức giận hay la khóc thì chuyện này bình thường, nhưng từ 10 tuổi trở lên mà còn như thế thì không bình thường.
Bạn hãy cho con “muợn bớt” sự điềm tĩnh của mình trong trường hợp này. Bạn hãy cho con biết là “bạn vẫn đang kiểm soát mọi chuyện”. Chính thái độ bình tĩnh của cha mẹ sẽ làm con cái dịu bớt sự tuyệt vọng rất nhiều.
Theo Atìlla Ceranoglu, một bác sĩ tâm thần của Boston thì ‘nếu con cái tỏ ra quá đau khổ hay quá lạnh lùng trước thất bại, bạn hãy tìm cách hướng sự chú ý của nó sang chuyện khác như rủ con đi dạo, đi bơi thuyền, đạp xe đạp’.
Cái quan trọng là cha mẹ hãy làm sao chứng tỏ bạn thương yêu con cái vì chúng là con, chứ không phải vì chúng làm cái gì, thành công hay thất bại. Con cái sẽ hiểu tình yêu bao la của cha mẹ không bao giờ sức mẻ. Chỉ bao nhiêu đó thôi là chúng sẽ lấy lại lòng tin và nghị lực rồi.
Wednesday, February 17, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment