*Nguyễn Châu
Tên là tiếng dùng để gọi một người, một sự kiện, một vật nhằm phân biệt với các sự vật khác trong cuộc sống. Triết học nhận thấy rằng vũ trụ, vạn vật tuy hiện hữu chung quanh ta, nhưng nếu chưa được gọi tên hay chưa đặt tên…thì tất cả vẫn chưa thể đi vào cuộc sống con người một cách đích thực. Vì sao ? Vì chưa có tên (vô danh), vũ trụ vạn vật chỉ hiện hữu trong tình trạng hỗn mang (pell-mell = in a jumbled and confused manner; disorder) hoang dã (uncultivated)…
Con người cũng vậy, dù đã sinh ra, đang lớn lên, đang ăn, đang thở… nhưng chưa được đặt tên, chưa được gọi đến thì xem như chưa hiện diện một cách đích thực trong cuộc sống nhân bản. Người không tên chỉ có cuộc sống của cỏ cây hoang dại.
Chưa có tên con người sẽ không có bản vị (standard, stand, base, position). Nguyễn Công Trứ, một vị tướng nổi tiếng triều vua Tự Đức đã khẳng định một cách hùng hồn: Thân đã có ắt danh âu phải có vì ông rất sợ tình trạng nát với cỏ cây!
Lão tử, một triết gia Trung Hoa thượng cổ đã nhận thấy rằng: Không có tên là giai đoạn khởi đầu của trời đất, khi có tên muôn vật mới được sinh ra (Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu). Đối với con ngưởi, vào lúc sơ khai, thời tiền sử, thì đặt tên có thể chỉ là do nhu cầu kêu gọi nhau mà thôi, cho nên việc đặt tên rất đơn giản và dễ dàng. Tiếng nào cũng được, miễn là có tên để phân biệt mà gọi đúng người mình cần đến, không lẫn lộn với người khác. Dần dần con người tiến lên với ý thức xã hội cao hơn trong nếp sống bộ lạc.
Nhu cầu phân biệt càng ngày càng cấp thiết cho nên việc gọi tên càng phát triển. Lúc đầu có lẽ là để xác định bộ tộc theo các vật tổ (totem)…sau mới đến từng cá nhân…
Vào thời xa xưa, tại Việt Nam, việc làm sổ hộ tịch để ghi tên những trẻ sinh ra chưa phát triển, do đó việc đặt tên để khai sinh không cần phải làm ngay. Người ta có thể gọi đứa trẻ sơ sinh bằng những cái tên bất kỳ gần gũi và quen thuộc trong đời sống hằng ngày như thằng Cu, con Tí, Trâu, Bò, Chó, Gà…
Có nhiều nơi, nhiều gia đình tin rằng đặt cái tên đẹp cho con cái sẽ khó nuôi vì bị quỷ ma dòm ngó rồi bắt đi, và để tráng những rủi ro đó, người ta lấy một thứ xấu xa, dơ bẩn để đặt tên cho con cái lúc còn nhỏ ( như: thằng Cứt, con Hĩm, bé Xí, cái Đĩ, thằng Thúi…) Những cái tên tục này khi phải ra xã hội mà việc đầu tiên là ghi vào sổ đinh tức sổ ghi số dân trong làng… thì phải lấy một cái tên khác thay vào nhằm tránh gọi những tiếng không đẹp. Dĩ nhiên, cũng có nhiều gia đình, khi người mẹ còn mang thai, đã có dự bị chọn lựa tên để đặt cho con rồi.
Nhìn chung, việc đặt tên cho con, phần đông người Việt xưa cũng như nay đều khá thận trọng. Chỉ một số ít người không quan tâm đến việc lựa chọn cái tên đặt cho con nên đã bạ đâu lấy đấy mà thôi. Thông thường, theo tâm lý chung, cha mẹ khi tìm tên đặt cho con, họ đều gửi gắm ước mơ của mình, bộc lộ sự cầu mong của mình đối với tương lai của gia đình, của giòng họ, thậm chí cả làng nước nữa…
Trong cách đặt tên, có nhiều người (thường là người học chữ Hán) chọn một bộ chữ để đặt tên cho con theo ước vọng hoặc sở nguyện của mình. Chẳng hạn lấy bộ Tâm làm chuẩn, tên những người con sẽ dùng những chữ Hán có chữ tâm bên cạnh, ví dụ: chữ Tình. chữ Nhẫn, chữ Tính, chữ Trung, chữ Ý, chữ Chí, chữ Tư…; lấy bộ Nhân thì có những chữ như Tín, Tu, Vị, Tứ, Trọng, Nhiệm…v.v.
Nhà nghiên cứu phong tục Việt Nam, cụ Toan Ánh đã ghi nhận vài trường hợp lịch sử sau đây: - Cụ tam nguyên Yên Đổ, trước khi lấy tên là Nguyễn Khuyến đã mang tên là Nguyễn Văn Thắng, nhưng sau vì trượt khoa thi Hội năm Ất Sửu, nên cụ mới đổi tên. Sau khi đổi tên, cụ đã đỗ Tam Nguyên năm Tân Mùi. -
Sự chọn tên đặt cho con cái, người Việt xưa rất cẩn trọng. Chẳng thà không đặt tên, cứ gọi con bằng một tên mách qué, chứ đã đặt tên, cái tên ít ra phải nói lên được cái sở nguyện của cha mẹ mong cho con, hoặc như trường hợp cụ Tam Nguyên nói trên, cái sở nguyện của chính người tự đặt tên lấy. -
Truyện ông Ngô Thời Sĩ đặt tên cho ông Ngô thời Nhiệm là một thí dụ. - Khi ông Nhiệm lên sáu tuổi, ông Ngô thời Sĩ mới hỏi ý ông muốn lấy tên gì. - Ong Nhiệm đã thưa: - Thưa cha, con xin phép cha cho con ghép vào tên húy của cha (chữ Sĩ ), một chấm phẩy để làm tên con: Chữ Nhiệm , nhiệm là gánh vác, ý cậu bé muốn mai sau gánh vác một phần trách nhiệm của nước nhà. - Lớn lên, ông Ngô Thời Nhiệm đã không hổ với tên nhiệm của mình. - (Nếp Cũ - Con Người Việt Nam, trang 48-49).
Có nhiều trưòng hợp, khi lớn lên, người con phải tự chọn lấy một cái tên khác với tên do cha mẹ đặt cho lúc còn nhỏ. Có hai lý do thúc đẩy việc tự đổi tên này. Một là vì cái tên cha mẹ đặt lúc nhỏ không thích hợp với hoàn cảnh xã hội và nghề nghiệp, cần phải chọn một cái tên khác cho văn hoa, đẹp đẽ hay thanh nhã hơn. Hai là người con có những sở nguyện khác lúc nhỏ nên chọn một cái tên khác mang ước vọng của chính mình. Ngoài ra có một số người đổi tên do sự tin tưởng vào lý số…đổi tên cho hên hoặc cho đỡ xui, hoặc cho đời khá hơn…
CẤU TRÚC CỦA MỘT CÁI TÊN
Một cái tên thông thường có hai hoặc ba thành phần: Họ - Chữ lót (đệm) - Tên. Có khi không dùng chữ lót chỉ có Họ - Tên mà thôi.
1.- HỌ
Họ là tiếng gọi chung cho cả gia đình được truyền từ tổ tiên qua các đời kế tiếp nhau. Trong xã hội Việt Nam, theo nguyên tắc phụ hệ, con cái lấy họ cha. Nhưng cũng có một số trường hợp con phải lấy họ mẹ. Có hai trường hợp lấy họ mẹ như sau:
a-Khi gia đình bên mẹ không có anh em trai để lo việc phụng thờ tổ tiên thì có thể nhờ một trong số những người con lấy họ của mẹ để tiện việc lo hương lửa cho bên họ ngoại. Việc này hoàn toàn thuộc phạm vi tình cảm của gia đình.
b- Những đứa con do mẹ sinh ngoài vòng lễ giáo ( không có cha chính thức, hoặc người con trai không nhận con của mình, xem như không cha).
2.- Chữ LÓT (ĐỆM)
Chữ lót hay đệm nằm giữa Họ và Tên. Thông thường có các chữ lót sau đây được dùng trong phần lớn các họ: Duy, Huy, Hữu, Đình, Thế, Văn…Những chữ này nối liền họ và tên của đàn ông, con trai. Nữ giới thường dùng chữ Thị trong tất cả các họ. Cứ thấy lót chữ thị là đàn bà. Từ đầu thế kỷ 20, thời đại mới, nhiều gia đình không dùng chữ thị trong tên con gái nữa. Người ta dùng chữ nữ hoặc dùng những cặp chữ thơ mộng, dịu dàng, mang tính chất nữ như tên các loài hoa đẹp, các loài vật tượng trưng cho người cao sang, đài các…chẳng hạn mai, lan, cúc, đào, hồng, phụng, loan…đi với những chữ lót đọc lên êm tai như Hoàng Mai, Xuân Lan, Diễm Cúc, Mộng Đào, Như Hồng…
Trong tên con trai cũng vậy, các chữ lót cổ điển trên được thay bằng những từ hùng tráng hay hoa mỹ như Nhân, Trí, Tín, Dũng, Hùng, Minh, Quang…v.v.
3.- TÊN
Tên là phần sau cùng trong hai hay ba tiếng dùng để gọi một người. Ví dụ: Nguyễn Văn Một, Lê Ba. Một và Ba là tên thường gọi. Tiếng Hán Việt gọi tên là DANH, họ là TÍNH. Do đó, người ta thường nói cho biết danh tính tức tên họ.
Truyền thống dân tộc Việt đặt Họ đứng trước Tên. Trong đời sống bình thường và trong giao tiếp hàng ngày, khi gọi ai, chỉ gọi Tên chứ không nhắc đến Họ. Trừ trường hợp có hai người trùng tên thì mới phải dùng đến họ hay chữ lót để phân biệt. Người ta chỉ gọi cả họ và tên khi có việc hệ trọng đến một cá nhân, khi cần minh xác căn cước, lý lịch.
Danh tính người Việt có thứ tự khác với Âu - Mỹ. Trong xã hội Âu - Mỹ, cái tên đứng trước họ. Tên Âu - Mỹ có hai thành phần : First Name và Last Name. Ngược với Việt Nam : chữ đứng trước là họ, chữ đứng sau là tên. Do đó, các cơ quan Mỹ thường hỏi last name rồi mới hỏi first name khi người Mỹ gốc Việt làm giấy tờ.
Vì nguyên tắc nhập gia tùy tục người Việt định cư tại các nước Âu, Mỹ… phần lớn đều phải để tên đứng trước họ như người bản xứ. Do đó, tên Việt: Nguyễn Hồng Lạc phải viết lại thành Lạc Hồng Nguyễn và có khi bỏ luôn cả chữ lót Hồng cho dễ dàng khi gọi người ta rút lại còn Lạc Nguyễn mà thôi. Sự khác nhau này do từ văn hóa và phong tục. Người phương Tây theo chủ nghĩa cá nhân (individualism. Trên nguyên tắc, cá nhân có quyền định đoạt và chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi, thái độ cũng như cuộc sống của bản thân mình, gia đình vàhọ hàng không được quyền can dự vào. Tự do cá nhân là quyền được luật pháp bảo vệ chặt chẽ. Có lẽ vì vậy mà cái tên đứng trước họ.
Tên đứng trước có nghĩa làngười trách nhiệm trước tiên là cá nhân chứ không phải tập thể: ai làm nấy chịu, không liên lụy đến họ hàng, gia tộc… Trong lúc ở xã hội Việt Nam, cá nhân chỉ là thành viên của tập thể gia tộc, mọi hành vi của cá nhân trong cuộc sống đều có liên quan mật thiết đến cả giòng họ. Vì quan niệm một người làm quan, cả họ được nhờ và một người làm xấu, cả bậu mang dơ.
Họ đứng trước tên, bao hàm ý nghĩa rằng bản thân ta gắn liền với gia đình tức nguồn gốc từ đó ta sinh ra và lớn lên, không thể tách rời được. Thật vậy, đối với đại đa số người Việt, họ là cái phải mang suốt cuộc đời không thể bỏ hay đổi. Tên thì có thể đổi, nếu muốn. Nhưng đổi họ là một vấn đề lớn. Đổi họ thường được xem như chối bỏ cội nguồn! Tập tục dùng họ để gọi những cá nhân có tài năng và nổi tiếng cũng cho thấy sự quan trọng của tinh thần tôn trọng gia tộc.
Ví dụ: Nguyễn tiên sinh, ông Cử Lê, Hà tiến sĩ, bác Tú Võ…Có những người tài năng được làng, huyện tôn vinh, không gọi tên thật, mà lại dùng tên làng để gọi như ông Nguyễn Khuyến, người làng Yên Đổ, thi đậu đầu ba khoa, gọi tên là Tam Nguyên Yên Đổ, ông Nguyễn Du gọi là Nguyễn Tiên Điền (tên làng)…
CÓ BAO NHIÊU THỨ TÊN
Ngày xưa, một người không chỉ có một cái tên mà lại có từ hai đến bốn thứ tên. Các thứ tên đó là: tên tục hoặc tên húy, tên tự, tên hiệu và tên thụy (tên hèm).
1.-TÊN TỤC - TÊN HÚY. Tên tục hay tên húy là tên do cha mẹ lựa chọn mà đặt cho. Tên này ghi vào gia phả và tộc phả, không dùng để gọi hằng ngày. Tên thường gọi (hay tên ở nhà) là một tên khác, nôm na và thân mật trong gia đình, làng, họ…Ra sinh hoạt với xã hội bên ngoài mới dùng tên tục tức tên chính thức. Theo tục lệ xưa, tên tục sẽ không được gọi đến sau khi người mang tên đã chết. Tên chính thức này trở thành tên húy, phải kiêng. Tên húy được ghi vào bài vị để thờ và chỉ đọc lên khi cúng giỗ hay khấn vái. Theo học giả Nhất Thanh, sau khi chết, tên húy còn gọi là tên cúng cơm. Nhưng, theo học giả Toan AÔnh, thì tên thụy hay hèm là tên cúng cơm. Theo tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, húy có nghĩa là kiêng, tránh không nói đến. Húy nhật là ngày giỗ, kÿ
2.- TÊN TỰ. Trong văn học sử Việt Nam, hầu hết các tác giả đều có tên tự. Tên tự là tên cá nhân tự chọn những chữ có ý nghĩa để đặt kèm với tên chính thức do cha mẹ đặt. Đặc điểm của tên tự là phải có nội dung suy từ tên chính thức mà ra, qua ý nghĩa của tên tự, người ta liên tưởng được tên chính thức.
Thí dụ: Ong Lê Quý Đôn, tự là Doãn Hậu - liên tưởng Đôn Hậu; Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất - tồn chất là giữ lại phẩm chất nghĩa rộng của chữ trứ là ra sức làm việc (trứ tác); Oạng Hoàng Diệu tự là Quang Viễn - quang viễn có nghĩa là ánh sáng chiếu xa tức làdiệu…
3.- TÊN HIỆU Tên hiệu là tên cá nhân tự chọn cho mình khi đã có đầy đủ ý thức về bản ngã của mình, muốn gửi gắm chí nguyện, ước mơ hay hoài bão vào ý nghĩa của tên hiệu tức biệt hiệu. Biệt hiệu thường được dùng để ghi vào các sáng tác thơ, văn. Người xưa rất ít khi dùng tên thật ghi vào các sáng tác của mình. Một vài dẫn chứng về sự gửi gắm ước mơ và hoài bão trong tên hiệu: - Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu là Bạch Vân, ý muốn sống một cách thanh thản thong dong như mây trắng… - Cụ Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam, ý muốn nói lên lòng yêu thương quê hương Việt Nam, cảm hứng từ câu Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào nam chi: ngựa Hồ hí gió Bằc, chim Việt đậu cành Nam… Cũng có người lấy tên quê hương làm biệt hiệu, hoặc núi sông của vùng quê hương, như Nguyễn Khắc Hiếu lấy hiệu là Tản Đà (sông Đà, núi Tản Viên). Lại có người ghép những tên người thân thương lại làm biệt hiệu của mình. Có những tên hiệu mang tính chất bí ẩn, muốn đoán sao thì đoán, chẳng hạn biệt hiệu của nhà văn Đái Đức Tuấn là Tchya(phỏng đoán: Tôi chẳng yêu ai - Tôi chỉ yêu An), biệt hiệu T.T. Kh…v.v…
3.- TÊN THỤY
Theo Cửu Long Giang Toan Anh, trong Nếp cũ thì Ngoài các tên tự, tên hiệu và chính danh trong lúc sống, mỗi người lúc chết còn có một THỤY. Tên này còn gọi là tên hèm, hoặc tên cúng cơm, tức là cái tên chỉ khấn đến khi cúng giỗ. Thường tên thụy gồm hai chữ và hai chữ này cố tóm tắt đủ các đức tính của người mang tên. (Xuân Thu - trang 53) Theo học giả Nhất Thanh, trong Đất Lề Quê Thói, thì Tên thụy tục gọi là tên hèm là tên đặt cho người chết. Lúc lâm chung mà còn đủ trí hiểu biết thì con cháu hoặc thân bằng lựa chọn và đọc cho nghe tên thụy… (trang 44).
Thường thường tên thụy do chính bản thân người sắp từ trần tự đặt cho mình rồi bảo cho con cháu biết. Tên thụy được đặt dựa theo hành trạng và chí nguyện của con người lúc còn sống. Cụ Toan Ánh đã lấy thí dụ ông Trương Đình Mậu lúc còn sống người thuần hòa, cẩn thận, bình tĩnh, siêng năng, khi lâm chung tự đặt tên thụy là Thuần Cẩn. Khi cúng tế, con cháu sẽ khấn Nguyễn quý công, húy Đình mậu, thụy Thuần Cẩn phủ quân (Nếp Cũ, trg 54)
Về chữ THỤY, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh viết như sau: (ghi lại để tham khảo)
1/Thụy là tên chung các thứ ngọc khuê - là điềm tốt - là ngủ -
2/ Thụy là tên đặt cho người đã chết dựa theo hành vi và chí nguyện lúc còn sống mà đặt.
- Thụy điểu : Con chim lành- tức Phượng hoàng, gọi là thụy cầm. - Thụy giác : tỉnh ngủ (se réveiller).
- Thụy miên : ngủ
- Thụy nhân : nguời quý hoá, hiếm có, sống 100 tuổi.
- Thụy vũ : mưa lành.
Tóm lại, theo tập tục hay thói quen, thì một người thường có ít nhất là ba (03) cái tên : tên cha mẹ gọi lúc còn thơ ấu, tên khai sinh tức tên ghi vào sổ hộ tịch và tên hiệu tự mình đặt cho mình một cách riêng hoặc tên do người thân hay bạn hữu đặt để gọi một cách thân mật, ngộ nghĩnh… (nick-name: a subtitute name given to a person or thing in fun, affection, etc…usually descriptive or a shorter form of a proper name.).
Còn tên tự và tên thụy thì thường chỉ thịnh hành trong giới Nho học và khoa bảng cũ.
Ngoài ra còn có tên Thánh và Pháp danh. Tên thánh là tên người theo đạo Thiên Chúa khi chịu phép rửa tội; Pháp danh là tên người theo đạo Phật khi quy y. Bí danh là tên mà những người hoạt động trong các tổ chức bí mật dùng để che dấu tông tích của mình.
KIÊNG TÊN
KIÊNG TÊN là một tập quán lâu đời của người Việt. Tục kiêng tên trước hết là do lòng tôn kính các tiền nhân anh hùng, những người khai khẩn đất đai, các bậc cao niên trong làng nước và nhất là các thân nhân đời trước trong gia tộc mình. Nếu vô tình do thiếu hiểu biết mà đặt trùng tên thì có thể xem như mang tội bất kính đối với tổ tiên. Tục kiêng tên không cho phép gọi đích danh tên húy của những người được xã hội, làng nước, gia tộc tôn kính. Khi cần nhắc đến tên những người này, phải đọc trại ra, nghĩa là phải phát âm cái tên ấy lệch đi. Chẳng hạn: Hoa đọc thành ”Huê”, Thái thành ”Thới”, Cảnh đọc thành ”Kiểng”, Anh đọc là ”Yêng”, Hòa đọc là ”Huề”, Quý đọc là ”Quới”… Có những chữ không thể đọc trại ra thì người ta tìm một chữ có nghĩa tương đương để gọi, chẳng hạn chữ ”Tôm” gọi là ”Tép to” ( Làng An Xuân, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có ông tổ tên Tôm nên làng kiêng không dùng chữ này, người lạ vô tình nói lên, sẽ được báo cho hay là kiêng tên.),”Canh” thì dùng chữ ”Riêu” để thay thế, ”Hoa” thay bằng ”Bông”
Về ngôn ngữ, tục kiêng tên đưa đến lối đọc trại ra hoặc thay thế bằng tiếng khác đã gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc. Trong làng xóm, khi đến nhà ai để thăm viếng hay có công việc, cần phải giữ tục kiêng tiên. Vì vậy, người xưa có câu: ”Nhập gia vấn húy” hay ”Nhập môn nhi vấn húy” nghĩa là phải hỏi cho biết tên húy để kiêng cho phải phép xã giao theo phong tục. Khi đặt tên, người ta thường tránh tên các vị thần linh, các vị anh hùng, các bậc trưởng thượng trong xã hội, trong địa phương. Theo một số nghiên cứu về tâm lý xã hội, nguyên nhân của sự kiêng tên, ngoài lòng tôn kính và sùng bái, còn vì sự sợ hải do mê tín. Nhiều người tin rằng nếu đặt tên trùng hay gọi tên các vị thần linh, các oan hồn… sẽ bị ”quở phạt”… gây nhiều tai họa cho cuộc sống người mang tên. Do đó cần phải kiêng kÿ.
PHẠM HÚY
Trong làng xóm và gia tộc, người ta kiêng gọi tên chính thức của cha mẹ, ông bà và tổ tiên, trong nước thì dân chúng phải kiêng tên vua, chúa và các quan. Dưới chế độ quân chủ, có tội gọi là phạm húy tức là tội viết hay goị đến tên nhà vua hay các ông hoàng bà chúa trực hệ. Nếu bất đắc dĩ phải dùng thì phải thêm một cái dấu hay bớt nét chữ cho khác đi. Đây là quy định của các khoa thi mà thí sinh phải tuyệt đối tuân thủ. Những chữ húy được niêm yết tại trường thi, sĩ tử phải thuộc để tránh phạm húy. Phạm húy tức là phạm trường quy, chẳng những bị hỏng thi mà có khi còn bị tội nữa. Tục kiêng tên của Việt Nam, qua giao lưu văn hóa với Tây phương dần dần bị mất ở các thành phố, nhưng phần lớn nông thông vẫn còn giữ, nhất là đối với các vị thần linh, hoặc các bậc khai canh, khai khẩn tức là những ngưòi đã có công dựng nên làng xã từ thời xa xưa. Ngày nay, tại các thành phố, tên các vị vua chúa, các bậc anh hùng dân tộc… từ trước vẫn kiêng kỵ, đã được đem ra đặt tên đường phố, công trường lớn với mục đích tôn vinh và tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn. Có thể nói đây là một du nhập tốt từ văn hóa phương Tây : gọi đích danh các bậc đã có công lao với đất nước, dân tộc và nhân loại để mãi mãi vinh danh họ.
ĐỔI TÊN
Trong cuộc sống có nhiều người đã thay họ đổi tên nhiều lần do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, lúc còn bé cha mẹ đặt cho một cái tên, khi lớn lên, qua kinh nghiệm sống, cá nhân nhận thấy cái tên do cha mẹ đặt không thích hợp, không đem lại an vui hay may mắn cho bản thân… nên đã tìm một tên khác. Theo tín ngưỡng dân gian, khi đổi tên người ta phải dùng đến con cua và trứng gà làm lễ vật để cáo với Thổ Công và Thần Hoàng.
Đối với người Việt Nam, cái tên luôn buộc chặt với linh hồn con người. Do đó, khi một người bị bất tỉnh, bị ngất đi, hoặc mê man sắp từ giả cõi sống… bà con, thân nhân thường réo gọi tên, hú hồn để kêu người ấy trở lại… người ta thi nhau gọi liên tục với tin tưởng là nghe tên hồn sẽ sực tỉnh mà trở về với xác thân… Về mặt xã hội và hành chánh, người đổi tên mới phải xin phép tòa án, phải có án lệnh mới hợp pháp khi sử dụng các giấy tờ hoặc tài sản mang tên cũ.
TRƯỜNG HỢP TÊN NGƯỜI CON GÁI
Theo phong tục, tên người con gái chỉ dùng khi chưa lấy chồng. Có chồng phải lấy tên chồng với chữ “bà”. Phong tục này Á - Âu đã gặp nhau. Chỉ khác là người con gái Việt Nam khi lấy chồng thường mất hẳn tên riêng, trong lúc Âu, Mỹ thì tên riêng được ghép với tên chồng. Ví du: Cô Nguyễn Hồng Hoa khi lấy ông Lê Văn Bê làm chồng, người ta sẽ gọi là bà Bê mà thôi, nhưng cô Jacqueline khi lấy ông Kennedy thì được gọi là Jacqueline Kennedy.
Trong thời hiện đại, những phụ nữ Việt Nam tuy đã lập gia đình vẫn dùng tên con gái của mình vì có những công việc do bản thân đứng tên như làm công chức, công nhân, chủ cơ sở kinh doanh… Trong xã hội Tây phương, theo phong tục, theo phép xã giao, người đàn ông khác không được quyền gọi người đàn bà có chồng bằng tên thời con gái dù là bạn cũ của mình.
Người phụ nữ nền nếp sẽ cãi chính ngay khi có người gọi mình là cô với tên con gái thay vì gọi là bà với tên chồng./
* Nguyễn Châu
Thursday, July 30, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment