San Jose, California, ngày 24 tháng 11 năm 2009
Thư không niêm gởi ông Phạm Vinh,
Thân phụ của cháu Daniel Sơn Phạm, người bị bịnh tâm thần đã bị Cảnh sát San Jose bắn chết.
Thưa ông Vinh,
Bằng lời nói chân tình, cho tôi thực lòng chia sẽ nổi đau của gia đình ông về cái chết của cháu Daniel Sơn Phạm. Xin cho phép tôi gọi ông bằng anh, để giảm đi những khách sáo không cần thiết.
Anh Vinh ơi! Trưa ngày 23/11/09, trên đường đi làm tôi nhận được điện thoại của anh Ls. Ngô Văn Tiệp, nói mở radio đài AM1430 nghe cuộc nói chuyện của giáo sư Sanh Hồ đại diện tổ chức Liên Minh Vì Công Lý, bà Gail Noble đại diện tổ chức SILICON VALLEY DE-BUG và anh, liên quan đến vấn đề Cảnh sát San Jose hành xử quá đáng khi tiếp cận với dân chúng.
May quá! Lúc tôi mở radio ra thì quí vị vừa gởi lời chào thính giả nên tôi nghe trọn vẹn được gần nửa giờ phát thanh phần đầu. Tôi đã nghe bà Gail Noble trình bày về trường hợp con trai bà bị tòa xử oan ức xảy ra nhiều năm về trước. Đã nghe phần trình bày của giáo sư Sanh Hồ về những suy nghĩ của các tổ chức như : ASIAN LAW, SILICON VALLEY DE-BUG, ASIAN AMERICAN FOR COMMUNITY INVOLMENT, ASIAN AMERICAN CENTER OF SANTA CLARA COUNTY quanh cái chết của Daniel Sơn Phạm, cũng như trường hợp của Nguyễn Dương bị cảnh sát đánh gẩy tay.
Tối đi làm về, qua e-mail, tôi được người bạn gởi cho Audio cuộc phỏng vấn trên đài AM1430 của Huỳnh Hớn. Nghe lại toàn bộ cuộc phỏng vấn và nhớ lại bài viết tựa đề “911 tape, police report: Frantic scene where man was shot by S.J. cops” của ba tác giả Sean Webby, Lisa Fernandez and Mark Gomez trên báo San Jose Mercury News phát hành ngày 13/11/09, tôi cảm thấy ngẫn ngơ.
Thật sự, tôi hết sức bàng hoàng khi đọc bài: “911 tape, police report: Frantic scene where man was shot by S.J. cops” của báo SJMN. Từ trước tới nay, tôi chỉ nghĩ trong đầu là Daniel Sơn Phạm bị bắn 3, 4 phát đạn mà thôi. Ai dè! Thật kinh khủng! Tới 12 viên đạn còn ghim trên lòng ngực. Như vậy, thảo nào ký giả báo SJMN đã dùng mấy chữ “Frantic scene” (hiện trường điên cuồng). Tựa đề và nội dung bài viết đã cho thấy chính quyền Chuck Reed giải quyết “chìm xuồng” cái chết của Daniel Sơn Phạm là điều không hợp lý, khi chung quanh nội vụ có quá nhiều nghi vấn chưa được sáng tỏ. Đây là sự bất thường tại thành phố San Jose trong một nước luôn tự hào thượng tôn luật pháp như Hoa Kỳ. Và càng bất thường hơn, khi CĐVN tỵ nạn cộng sản tại địa phương lại giữ thái độ đấu tranh một cách dè đặt trước việc nhuốm máu dân lành dã man của Cảnh sát San Jose, so với vụ tên Little Sàigòn dành cho một khu chợ.
Anh Vinh ơi! Tôi không có mặt trong phòng phát thanh, nhưng nghe giọng nói nghẹn ngào của anh, tôi hình dung ra được những giọt nước mắt lăn dài trên má của người người tóc bạc khóc kẻ tóc đen. Tôi nghe những lời nói thành khẩn, nhiệt tình của giáo sư Sanh Hồ một nhà đấu tranh cho nhân quyền tại San Jose từ năm 2003, mà tôi biết tên ông qua cái chết của Trần thị Bích Câu năm nào bên cạnh ông Thomas Nguyễn, và những ngày ông Lý Tống tuyệt thực trước City Hall. Và những lời trình bày tha thiết của bà Gail Noble khi đề cập đến nhân vị, nhân quyền, công lý, bình đẳng của con người ở một nước tự do mà một chính quyền đứng đắn phải biết tôn trọng. Và sự giận dữ, trả thù, kỳ thị chủng tộc là điều chính quyền phải tránh khi đối diện với mọi sắc dân đang sinh sống tại một quốc gia có tên là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Nghe bà Gail Nable nói, tôi thấy lòng mình xốn xang khi nghĩ đến một người dân khác chủng tộc với mình bất bình trước cái chết oan ức của cháu Daniel Sơn Phạm mà họ lên tiếng. Tôi cảm thấy hổ thẹn với lương tâm nếu không viết cho anh thư này, trong khi chưa biết mình phải làm gì hơn để chia sẽ sự mất mát của gia đình anh.
Theo giảo nghiệm thì 12 viên đạn còn ghim trong lồng ngực Daniel Sơn Phạm và hai viên khác đã xuyên phá đi ra ngoài. Như vậy, cháu Daniel bị bắn tất cả 14 phát đạn. Hai viên đi ra ngoài có thể hiểu là hai viên “ân huệ” cuối cùng được bồi thêm với tầm sát hại rất gần. Thật là hành động sát nhân tàn bạo, vô nhân đạo. Đã vậy, khi Daniel Sơn Phạm là một cái xác không hồn rồi mà còn bị còng tay, thì giải thích sao đây? Chẳng lẽ cái xác biết chống cự à!
Theo tôi nghĩ, trường hợp Daniel Sơn Phạm cầm con dao nhỏ trên tay dù cảnh sát cho là nguy hiểm. Muốn kiềm chế Daniel, thiết nghĩ nhân viên cảnh sát chỉ cần bắn 1, 2 phát cũng đủ để Daniel buông rơi vũ khí rồi . Vậy thì tại sao hai kẻ “sát nhân” phải bắn đến 14 viên đạn? Phải chăng hai cảnh sát kia đã coi Daniel Sơn Phạm là tấm bia để họ thi nhau tập bắn?
Có lý luận cho rằng, nếu đòi hỏi Cảnh sát trưởng Rob David phải chịu trách nhiệm về việc làm quá đáng của nhân nhiên mình, chẳng hạn như phải từ chức vì “con dại cái mang” là chống đối chính quyền. Vậy thì thử hỏi, Ban Đại Diện Đồng kiện thànhh phố vi phạm luật Brown Act hay đồng bào biểu tình hàng tuần ngày thứ Ba Đen, biểu tình hàng chục ngàn người trước Cirty Hall năm 2008, đòi Chuck Reed duy trì công lý, tôn trọng dân chủ, trả lại công đạo cho phiên họp ngày 20/11/07. Như vậy có phải là chống chính quyền không?
Anh Vinh ơi, là con người ai cũng vậy. Trong đời sống không ai lại không gặp những trở ngại khó khăn trong công việc dù là chính quyền hay cá nhân. Nhưng nếu không can đảm nhận trách nhiệm về những sai lầm để sữa sai, để tránh những trường hơp đáng tiếc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, thì thật là một điều không nên.
Thành thật mà nói mấy ai không nhỏ lệ, thương cảm khi hay tin một nhân viên cảnh sát bị các băng đảng bắn gục lúc họ thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong thành phố. Mấy ai lại không cảm nhận được sự nguy hiểm và lòng tận tụy trong công việc đáng kính của các nhân viên công lực . Nhưng, không phải vì những sự hy sinh do sự giết hại của các băng đảng, để rồi dưới mắt nhân viên cảnh sát ai cũng là băng đảng, nên khi tiếp cận với dân họ bất phân dân lành hay thành phần bất hảo để sẳn sàng ra tay giết người. Như vậy có khác gì băng đảng đâu! Do đó, nếu Đại Úy Cảnh sát trưởng Rob David, Thị trưởng Chuck Reed, bà Biện lý Dolres Carr không giải thích minh bạch tại sao hai nhân viên cảnh sát đã xử dụng 14 viên đạn để bắn nát ngực một người bị bịnh tâm thần như Daniel Sơn Phạm, thì không tránh khỏi dân chúng nghĩ những người có trách nhiệm này đã bao che và đồng lõa với tội ác. Làm minh bạch cái chết của Daniel Sơn Phạm không có nghĩa là đòi bồi thường nhân mạng, mà là sự giải thích rõ ràng tại sao phải bắn tới 14 phát đạn để đối phó với … một con dao nhỏ.
Tôi xin mượn lời của giáo sư Sanh Hồ trong một e-mail gởi cho bạn bè, trong đó có tôi. Ông đã chia sẽ suy nghĩ về mười mấy phát đạn Cảnh sát San Jose bắn Daniel Sơn Phạm, khi ông đọc bài viết của ông Phạm hữu Sơn, Cựu Chủ tịch Ban Đại Diện Cộng Đồng VN Bắc Cali có tựa đề: “CẦN BAO NHIÊU ĐẠN ĐỂ GIẾT MỘT BỆNH NHÂN TÂM THẦN” để thấy rằng anh không cô đơn. Trong e-mail giáo sư Sam Hồ có đoạn đã viết, nay tôi xin ghi lại để anh Vinh đọc:
"Sanh Hồ thành thật cám ơn người đã viết bài này (CẦN BAO NHIÊU ĐẠN ĐỂ GIẾT MỘT BỆNH NHÂN TÂM THẦN”). Là người chứng kiến các buổi họp đề cập trong bài vào các ngày 28/10, 2/11, 9/11, 16/11 và tại City Hall vừa qua. Cám ơn người viết! Bài này là “giọt nước mắt an ủi đầu tiên” kể từ vụ bắn Daniel Phạm (12 viên đạn xảy ra). Các sắc dân khác đang thắc mắc và muốn biết ý kiến về phản ứng của dân Việt mình trong các vụ bắn và đánh đập dã man này. Với họ so với vụ tranh đấu cho tên Little Sàigòn mà họ đã thấy, thì cho đến nay tên Little Saigòn cũng chẳng được chính thức.
Chúng ta hãy lấy can đảm cá nhân nếu cần, nếu các tập đoàn người Việt trong cộng đồng không đấu tranh để làm sáng tỏ, như chính Sanh và một số người Việt khác đã từng lên tiếng trong suốt 6 năm nay từ vụ Bích Câu, để tranh đấu cho danh dự của chúng ta là người Việt đã bỏ nước ra đi.
Sanh có hai đứa con trẻ, Sanh không muốn nó khinh thường là “ông già” của nó ngồi im ru trong các vụ bị ăn hiếp này. Sanh không muốn các cháu, hoặc những em học sinh hoặc những người Việt bị ăn hiếp và ngược đãi ở trường học hoặc ở sở làm hoặc bị boss khinh khi, vì họ thấy dân mình im ru trong các vụ bị bức hiếp. Họ sẽ nghĩ người Việt Nam chúng ta chỉ có thể cấu xé lẫn nhau mà thôi, nhưng “not us Americans”.
Đọc qua lời tâm sự chân thành của giáo sư Sanh Hồ tôi bất giác ngậm ngùi. Lời tâm sự này chẳng những chia sẽ về cái chết đau thương của cháu Daniel Sơn Phạm mà còn chất chứa nổi niềm của những người còn biết trọng liêm sĩ, danh dự không khuất phục trước cường quyền dù đang phải ở nơi đất tạm dung. Tâm sự này phát xuất từ cái chết của Bích Câu cách nay 6 năm, cái chết của Daniel Sơn Phạm cách nay 6 tháng và cánh tay gẩy của Nguyễn Dương. Đây là thời điểm của quá khứ, của hiện tại và tương lai của thế hệ con cháu khi họ nhận nơi này làm quê hương với giòng máu đỏ, da vàng Việt Nam mãi mãi trong huyết quản.
Anh Vinh ơi! Nỗi đau rồi sẽ qua. Nhưng chứng tích của tội ác mãi mãi vẫn còn đó. Luật pháp nếu không công bằng, nhưng lương tâm kẻ phạm tội sẽ theo đuổi họ tới ngày nhắm mắt. Tạm thời, nhân Lễ Tạ Ơn xin anh và tất cả mọi người trong chúng ta hãy lắng lòng vài phút để Cám ơn đời , Cám ơn người, Cám ơn vùng đất tự do đã cho chúng ta nơi nương tựa rồi sẽ cùng nhau tính tiếp. Anh Vinh đồng ý không?
Chào anh Vinh,
Kính thư
*Đặng thiên Sơn
Tuesday, November 24, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment