Thursday, March 4, 2010

Câu Chuyện Một Cành Mai

Lời Toà Soạn: Giáo Sư Lưu Khôn, nguyên Giảng Sư Đại Học Văn Khoa Saigon, là Cố Vấn của Liên Đoàn Cử Tri Người Việt Bắc California. Nhân cảm thấy hứng khởi khi đọc bài “Cành Đào Báo Tiệp” của bạn trẻ Bùi Sơn, Giáo Sư viết bài này để xin được đóng góp thêm chút hương sắc cho mùa Xuân nước Việt.
THM xin được chân thành cảm tạ Giáo Sư Lưu Khôn.

***
Thiệp Chúc Tết của Hội Ái Hữu Phan Thanh Giản –Đoàn Thị Điểm Bắc California năm nay (2010) có ghi câu đối:

Xuân đến, Xuân đi, Xuân bất tận.
Vật dời, vật đổi, vật không cùng.
Dịch từ chữ Hán:
Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận .
Vật đi, vật hoán, vật vô cùng.

Câu đối này khiến chúng ta liên tưởng đến một bài kệ của Thiền Sư Mãn Giác (1051-1096) đời Lý, bài “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo với mọi người):
Xuân khứ, bách hoa lạc,
Xuân đáo, bách hoa khai,
Sự trạc nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai,
Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận,
Đình tiền, tạc dạ, nhất chi mai.
Dịch nghiã:
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.
Việc đời lần lượt trôi qua trước mắt,
Cái già xuất hiện từ trên mái đầu.
Chớ bảo Xuân tàn, hoa rụng hết.
Đêm qua, một cành mai nở trước sân.
Bài kệ đã đưa ra những hình ảnh cụ thể về sự biến chuyển của trời đất, của đời người. Đó là một sự biến chuyển tự nhiên, liên tục, không gì có thể cưỡng lại được.
Lẽ chuyển vần này, Thiền Sư Vạn Hạnh ( …. _1018) cũng đời Lý, đã đề cập trong bài kệ “Thị Đệ Tử” (bảo đệ tử) như sau:
Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô,
Vạn mộc Xuân vinh, Thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch nghiã:
Thân người như bóng chớp, có rồi không,
Cây cỏ tốt tươi vào mùa Xuân, lại khô héo vào mùa Thu.
Mặc kệ lẽ thịnh suy, không sợ hãi,
Thịnh suy như hạt sương đọng trên ngọn cỏ.

Giáo Sư Nguyễn Vĩnh Thượng trong tác phẩm Tư Tưởng Phật Giáo trong Văn Học thời Lý (Hiện Đại ấn hành, tháng 7 năm 1996 tại Canada) đã đối chiếu các quan niệm về sự biến chuyển của Vũ Trụ, Vạn hữu của hai vị Thiền Sư Vạn Hạnh và Mãn Giác với các triết gia và các nhà thơ cận đại như sau:
“ Từ thuở xa xưa, các triết gia Âu Á đã cùng chung cảm nghĩ rằng mọi việc ở trên cõi đời này đều luôn luôn biến đổi không ngừng.
Theo sách Luận Ngữ, có một hôm Khổng Tử đứng bên bờ sông mà than rằng:
Thệ gỉả như tư phù, bất xả trú dạ.
Dịch:
Trôi chảy mãi như thế này ư, ngày đêm không ngừng.

Trong triết học Tây Phương Héraclite cũng đã chủ trương mọi vật đều di chuyển như một dòng nước, qua một câu nói thời danh:
You can’t step twice into the same river, for fresh waters are ever flowing in upon you. The sun is new every day.(Bertrand Russel, History of Western Philosophy, London George Allen& Upwin- 1979, trang 63).
Bạn không thể nào bước vào hai lần trong cùng một dòng sông, vì nước mát luôn luôn trôi chảy qua người bạn. Mỗi ngày mặt trời đều đổi mới.
Trong khi đó, các nhà thơ có nhiều cảm xúc hơn trước cảnh đổi dời, thay ngôi đổi chủ, “thương hải tang điền” (bãi biển ruộng dâu), thăng trầm, vinh nhục, lên voi xuống chó, đã làm đại thi hào Nguyễn Du đau đớn lòng:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điêu trông thấy mà đau đớn lòng.
(Truyện Kiều)
Trước cảnh vật đổi sao dời, nhà thơ Trần Tế Xương vẫn còn ấn tượng của thời quá khứ. Ông tìm về kỷ niệm xưa, nhữnh hình bóng cũ, những âm hưởng sâu đậm vẫn còn trong tiềm thức.
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông lấp Nam Định)
Gần đây hơn, lãng mạn hơn, nhà thơ lớn Xuân Diệu đã diễn tả tâm tư của thế hệ trẻ thời tiền chiến luyến tiếc những giây phút trôi qua quá nhanh.
Ôi ngắn ngủi là những giờ họp mặt,
Ôi vội vàng là những phút trao yêu,
Vừa nắng mai sao đã đến sương chiều.
(Xuân Diệu)
So sánh thái độ của các nhà thơ vừa trích dẫn ở trên, chúng ta nhận thấy thái độ của các Thiền Sư thời Lý quả thật là an nhiên tự tại trước cảnh vô thường, trước các biến đổi của thế sự và hoàn cảnh thiên nhiên. Các Thiền Sư đã hoà đồng với thiên nhiên, với sự sinh hóa của Vũ Trụ, và các Vị Sư ấy đã tìm thấy được cái định luật thường nhiên là cái vô thường của Vũ Trụ, Vạn hữu”.
Cái thái độ được Giáo Sư Nguyễn Vĩnh Thượng đề cập trong đoạn văn trên chính là cái thái độ “vô bố úy” (không sợ hãi) của Thiền Sư Vạn Hạnh.
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy.
Đó cũng là niềm tin tưởng mãnh liệt của Thiền Sư Mãn Giác vào cái lẽ trường tồn bất biến, cái chân như, vượt lên trên mọi biến đổi của Vũ Trụ, của việc đời. Niềm tin tưởng ấy, Thiền Sư Mãn Giác đã thể hiện qua hình ảnh của một cành mai.
Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận,
Đình tiền, tạc dạ, nhất chi mai.

Hình ảnh tươi tắn đẹp đẽ biết bao!
Riêng đối với chúng ta, bên cạnh cái triết lý siêu hình về chân như,về bản thể, về nguyên lý tuyệt đối ……,chúng tôi nghĩ rằng, nếu về mặt vật chất, các nhà khoa học biết dựa vào những định luật thiên nhiên mà chế ngự thiên nhiên, thì về mặt tâm linh, với niềm tin ở những giá trị tinh thần cao quý, chắc chắn những biến động trong đời sống xã hội sẽ không bao giờ làm cho chúng ta nao núng.
Đâu đây có tiếng ai hát:
Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân.
(Gái Xuân- Trung Tâm Asia Đêm Giao Thừa)
San Jose, ngày mồng 3 Tết năm Canh Dần * GS. Lưu Khôn
(16/02/2010)


No comments:

Post a Comment