TRUNG NGÔN
Báo Thế Hệ Mới ra đời với một mục tiêu rất rõ ràng, minh bạch đó là hỗ trợ cho những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba... [hậu duệ của những đợt người Việt tỵ nạn từ 1975 cho đến đầu thập niên 1990] đang dấn thân tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chính trị chính lưu tại Hải Ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Từ ngữ “thế hệ mới” thoạt tiên khiến cho một số người liên tưởng tới “thế hệ cũ” với một số ý tưởng có phần tiêu cực. Những người này cho rằng thế hệ cũ là thế hệ của những người cao niên, của các bậc cha anh đã từng phục vụ các chính phủ Quốc gia và Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, sau hơn ba mươi năm thao thức quê hương, nay đã mệt mỏi, tư tưởng đã cũ mòn không còn thích hợp với thời đại nữa, cần phải nhường lại cho thế hệ trẻ.
Một cách tổng quát, mới nghe qua thì những suy nghĩ này có vẻ khá thuyết phục. Nhưng đem đối chiếu với hiện thực của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại thì quan niệm trên đây chỉ đúng một phần. Dĩ nhiên là theo định luật thiên nhiên thì tuổi già, sức sẽ yếu đi. Nhưng đây chỉ là về thể xác. Về mặt tinh thần, có những người già tuy “đầu bạc nhưng lòng son” nói theo sách xưa là hạng người “bạch thủ chi tâm” tức là đầu bạc mà lòng xanh, vẫn còn hăng say trong các công tác cộng đồng chưa có người trẻ thay thế.
Bằng chứng cụ thể là hiện nay, nhiều người cao niên thuộc thế hệ người Việt tỵ nạn thứ nhất vẫn còn phải ra sức để đảm đương các sinh hoạt chính trị của Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia, duy trì đặc trưng của người Việt tỵ nạn đó KHÔNG CHẤP NHẬN CHẾ ÐỘ CỘNG SẢN và nuôi dưỡng ngọn lửa ÐẤU TRANH KIÊN TRÌ CHO MỘT NỀN DÂN CHỦ TỰ DO ÐÍCH THỰC tại quê hương Việt Nam. Số người trẻ, nói chung là thế hệ mới, tình nguyện dấn thân để tiếp bước cha anh chỉ mới “như sao buổi sáng” mặc dù nhân tài của cộng đồng hải ngoại nhiều và thắm như lá rùng thu.
Tại Úc Châu, số thanh niên trí thức thuộc thế hệ mới tham gia sinh hoạt Cộng Ðồng đông đảo hơn các lục địa khác như Âu châu và Mỹ Châu. Thế hệ mới đã dấn thân với ý thức hệ quốc gia, quyết đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cộng sản trên quê hương Việt Nam và ngăn chặn các cuộc xâm nhập của cộng sản Việt Nam vào cộng đồng người Việt quốc gia tại Hải Ngoại.
Tại Canada, Hoa Kỳ và Âu Châu, hiện nay đang có dấu hiệu đáng mừng đó là giới trẻ trong cộng đồng tỵ nạn đang ý thức trách nhiệm của mình trước sự tồn vong của đất nước Việt Nam và sự liên tục của tinh thần chống cộng sản, đã sẵn sàng dấn thân để tiếp nối sự nghiệp đấu tranh của cha anh.
Thế hệ mới không thể tách rời thế hệ cũ. Bởi vì “ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua.” Trong mạch sống tâm linh của mỗi con người đích thực, “QUÁ KHỨ qua rồi những vẫn còn đó, TƯƠNG LAI chưa đến nhưng đã có mầm trong HIỆN TẠI rồi. Có thể nói HIỆN TẠI là giao điểm của QUÁ KHỨ và TƯƠNG LAI.
Về phương diện triết học, thì HIỆN TẠI là một khoảnh khắc biểu kiến và duy danh mà thôi, không thể nắm bắt được. Thật vậy, khi ta nói đến hiện tại thì hiện tại đã trở thành dĩ vãng (đã đi qua) vì dòng thời gian trôi chảy liên tục không có giây nào ngưng nghỉ. Khi ta nói “một giờ rồi” thì lúc đó đã là “1giờ +” chứ không phải là đúng một giờ.
Về cuộc sống tâm linh, không có quá khứ sẽ là một điều bất hạnh và khốn khổ, dù quá khứ ấy vui hay buồn, đau thương hay hoan lạc.
Có lẽ với quan niệm này, mà người ta thấy trên đất nước Hoa Kỳ, bất cứ thành phố nào, dù lớn hay nhỏ, đều có những nhà bảo tàng lưu giữ các di tích của thời thiết lập. Dường như người Hoa Kỳ rất quý quá khứ. Dĩ vãng cá nhân và hoài niệm tập thể đều được trân trọng gìn giữ và nhắc nhở hàng năm. Khi đã có xe hơi tối tân, tàu điện cao tốc, người Mỹ, người Tây phương vẫn không ruồng rẫy, khinh chê những chiếc xe bò, xe ngựa chậm chạp, thô sơ.
Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, quá khứ là cội nguồn của gia đình, của đất nước. Không thể quên quá khứ, bởi vì quá khứ là nơi bắt nguồn của hiện tại và tương lai. Nói một cách sâu xa hơn, quá khứ là nơi tích lũy kỷ niệm và kinh nghiệm để xây dựng tương lai.
Sách có câu “Ôn cố nhi tri tân” “nhắc lại cái cũ để biết cái mới”. Như vậy MỚI và CŨ có một tương quan biện chứng khá chặt chẽ. Không có Mới thì không biết đâu là Cũ và ngược lại, không đối chiếu với các đã qua thì làm sao gọi là mới. TRẺ và GIÀ cũng nằm trong mối tương quan biện chứng đó. Một gia đình sẽ phát đạt, một quốc gia sẽ hưng thịnh, nếu các thế hệ Già -Trẻ duy trì được mối tương quan biện chứng này, không có sự ly khai hoặc xung đột giữa các thế hệ, giữa kinh nghiệm quá khứ và kiến văn hiện tại cùng bầu nhiệt huyết và nghị lực của tuổi thanh xuân.
Tuy nhiên, tương quan THẾ HỆ MỚI và THẾ HỆ CŨ trong cộng đồng người Việt tỵ nạn có một yếu tố quan trọng khác với các cộng đồng cư dân khác, đó là Ý THỨC HỆ. Bởi vì, Cộng Ðồng Việt Nam tại hải ngoại, trên nguyên tắc và thực tế là một Cộng Ðồng Tỵ Nạn Chính Trị.
Cộng đồng này mang ý thức hệ quốc gia, dân tộc, không chấp nhận ý thức hệ cộng sản Marxist-Leninist, vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc. Do đó, thế hệ mới, những người trẻ dân thân vào công tác Cộng Ðồng phải là những người thừa kế ý thức hệ quốc gia, tiếp tục công cuộc đấu tranh giải trừ chế độ cộng sản trên đất nước Việt Nam và loại trừ các mưu toan thâm nhập của Cộng sản và tay sai vào các sinh hoạt để lũng đoạn hàng ngũ người Việt quốc gia.
Người sáng suốt luôn luôn gìn giữ quá khứ để rút tỉa kinh nghiệm chứ không phủ nhận hay hoài cổ gây trở ngại cho sự đổi mới và tiến bộ. Nên tôn trọng quá khứ nhưng không bám chặt lấy nó hoặc quá tôn thờ đến nỗi không dám chấp nhận cái mới. Trong chính trị, sự phủ định hoàn toàn đối với quá khứ sẽ là một tai họa cho đất nước.
Cái gương trước mắt của việc phủ định quá khứ này là sách lược của chính phủ Obama của Hoa Kỳ. Tổng Thống Obama vì tính hiếu thắng và ấu trĩ, muốn tỏ ra ta đây có khả năng thay đổi tận gốc rễ nước Mỹ, nên sau một năm cầm quyền đã làm cho Hoa Kỳ không cất đầu, ngẩng mặt lên được trước thế giới. Tổng Thống Obama đã làm ngược lại tất cả các chính sách phúc lợi, ngoại giao, nội trị của chính phủ quá khứ, rốt cuộc chẳng đi đến đâu mà còn đưa đất nước Hoa Kỳ đến chỗ nguy khốn: ngoài thì bị Iran, Bắc Hàn, Trung Cộng dọa dẫm, trong thì nhân dân phập phồng bất an vì các âm mưu khủng bố, kinh tế vẫn suy thoái, nạn thất nghiệp vẫn gia tăng, hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan vẫn tiếp diễn và nhất là không thực hiện được lịch trình đóng cửa nhà tù giam khủng bố Guantanamo vào đầu tháng 01-2010 như đã khẳng định.
Hy vọng thế hệ trẻ của Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng sản sẽ rút được những bài học từ quá khứ, lợi dụng được những kinh nghiệp quý báu của thế hệ cũ để làm hành trang lên đường xây dựng cộng đồng, cứu nguy Tổ Quốc Việt Nam trước đại họa “Hán Hóa” và Trung cộng xâm lăng.
TRUNG NGÔN
Thursday, March 4, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment