Bao Giờ Dân Tộc Hết Trầm Luân?
Tuệ Vân
Tâm Thức Việt Nam
September 7, 2009
Trên báo chí Việt Nam hàng ngày người đọc chỉ thấy nổi bật những tin giết người, tham nhũng, lường gạt, ô nhiễm môi trường, bịnh tật, cảnh nghèo khổ của người dân lao động, cảnh thê lương của nông dân vì bị mất mùa, lãnh đạo tha hóa, chất độc vượt mức an toàn trong thức ăn rau quả nhập từ Trung Quốc, thuyền ngư dân bị tầu lạ đâm chìm, trẻ em bỏ học vì gia đình không có khả năng đáp ứng học phí cao, tin bắt giữ hay trấn áp các nhà dân chủ đấu tranh trong nước, vân vân. Mỗi ngày không biết bao nhiêu là tin tức tương tự như thế. Đọc để rồi mà thương cho người dân Việt Nam và lo buồn cho dân tộc, cứ như thế thì còn gì là đất nước.
Những sự việc trên tuy nhiên không phải tự nhiên mà có. Chúng đều đến từ hai lý do. Một là hậu quả của sách lược Cộng sản toàn trị ngu dân đã bắt đầu từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nửa miền Bắc, và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa trên cả nước, sau khi Việt Nam cộng hoà sụp đổ. Hai là sự cẩu hợp giữa Cộng sản biến thái tử khi Liên sô sụp đổ với chủ nghĩa tư bản toàn cầu.Thời toàn trị, chế độ chuyên chính vô sản do Hồ chí Minh thiết lập tại miền Bắc sử dụng giai cấp công nông làm nòng cốt trấn áp đã khống chế hoàn toàn các thành phần có chút hiểu biết. Chủ trương này đã khiến cho ngu dốt trở thành lợi thế tiến thân và trí thức im lặng để sống còn. Mặt khác, chính sách kinh tế tập trung ngăn sông cấm chợ để bần cùng hoá nhân dân, kiểm soát bao tử đã khiến người dân trở thành bạc nhược, buông suôi, chỉ mong làm sao sống được qua ngày, và cải thiện bằng những gian trá, mánh mung tiểu sảo. Một chút ân huệ từ đảng và nhà nước ban ra là đã reo vui, hả hê sung sướng. Nói khác đi, người dân được điều kiện hoá để ngỏng cổ, há miệng chờ nhà nước ban phát ân huệ. Những cán bộ bộ đội vào miền Nam sau 1975 đã an ủi giài thích cho người dân một cách tin tưởng và hãnh diện rằng “dân không phải lo, mọi sự có nhà nước lo” mà người nghe diễu cợt nhại lại với nhau thành “dân không phải no, có nhà nước no”. Nghĩa là chế độ cộng sản đã biến hầu như mọi người dân thành những con cừu ngoan ngoãn đi theo sự chăn dắt của đảng và nhà nước.
Hai là bản chất của người cộng sản Việt Nam là vô tổ quốc, chủ trương đấu tranh giai cấp để xây dựng thế giới đại đồng vô sản, thực hiện một thiên đường hạ giới. Mọi giá trị gia đình xã hội văn hoá Việt nam trở ngại cho mục tiêu này do đó bị xoá bỏ. Trong giai đoạn gọi là “quá độ” tiến lên thiên đường này thì con người phải hành xử như những cái máy theo lãnh đạo đảng, và nhu cầu thu gọn lại là vật chất và sinh lý. Khi cái thành trì Liên sô sụp đổ, Cộng sản Việt nam đổi mới, thì thiên đường đại đồng vô sản chuyển sang thế giới toàn cầu tư bản tiêu thụ, cá lớn nuốt cá bé, tập trung vào thoả mãn cá nhân trong một xã hội trơ trụi vì bị phá hủy bởi chuyên chính vô sản bóp nghẹt mọi giòng sinh hoạt.
Trong cái môi trường tư bản hoang dã mới du nhập này, con người với những nhu cầu bị dồn nén lâu ngày dưới chế độ toàn trị đã nhất tề xông lên, dẫm đạp lên nhau, tương tự như tình trạng chen lấn nhào vào mua hàng đại hạ giá ở Mỹ vì sợ hết hàng khiến có người chết. Hay là đúng thực tế hơn, với đa số, thì như hình ảnh của hội Gia Đình Lai Việt Mỹ mới đây cho thấy, đám đông người ban đêm tập trung chờ đợi những chiếc xe rác kềnh càng tiến vào bãi rác bụi mù, để tranh nhặt những gì có thể bán đi lấy tiền làm dịu những thôi thúc của cái bao tử lép xẹp. Những người không có sức để tranh sống như vậy, hay quá mệt mỏi vì tranh sống như vậy thì chỉ còn có một cách bịt mắt bưng tai hay là chọn con đường là trông về một cuộc sống đời sau, trở thành con mồi cho những cán bộ tôn giáo quốc doanh hay là những kẻ lưu manh hành nghề tôn giáo.
Và cuộc đời dân tộc đã trầm luân như thế, từ toàn trị giết nhau bằng căm thù giai cấp sang chà đạp lên nhau mà sống bằng thú tính tranh sống hoang sơ.
Làm sao thoát ra được tình trạng này? Khó khăn lắm mà cũng đơn giản lắm, tuỳ theo cách nhìn. Khó khăn là nghĩ rằng không thể nào thay đổi được hệ thống kìm kẹp độc tài Cộng sản biến thái hiện nay, để mà chọn một trong hai thái độ kể trên. Đơn giản là thấy rằng đời sau không biết thực sự thế nào mà chưa chắc đã có. Để mà không chấp nhận cuộc sống không đáng sống hiện tại. Cái bất công cho mình không phải là cá biệt của riêng mình mà là hoàn cảnh chung cho cả mọi người. Yêu cầu giải quyết riêng cho mình, dù là dưới dạng làm đơn, trong tinh thần xin/ cho hay “đối thoại tương kính” thì chỉ có một mình mình. Kết quả hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của kẻ nắm quyền. Nhưng nếu đặt thua thiệt của mình trong toàn cảnh bất hạnh chung của cả dân tộc, thì vấn đề sẽ khác. Người người sẽ xông lên, không phải là để chờ đợi đơn xin được cho, mà là giành lấy cái quyền giải quyết vấn đề cho mình và cho dân tộc, từ tay một bọn thiều số tay sai dựa vào ngoại quốc nồ nạt người dân. Đó là trả lời cho câu hỏi “bao giờ dân tộc hết trầm luân”.
Tuệ Vân
Ngày 7 tháng 9 năm 2009
Wednesday, September 9, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment