* Đặng thiên Sơn.
Người Việt thường tự hào mình là một dân tộc có trên “Bốn Ngàn Năm Văn Hiến”. Nhưng, hỏi văn hiến là gì? Thì hầu như nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ không tránh khỏi sự lúng túng khi giải thích về hai chữ này. Vì vậy, ý niệm về văn hiến chỉ là sáo ngữ và trở thành một thứ thông điệp là “nói để mà nói”. Người ta lúng túng có hai lý do. Thứ nhứt, vì không chịu tìm hiểu. Thứ hai, vì ý nghĩa của nó quá bao la, bát ngát. Vậy văn hiến là gì, nội dung ra sao?
Nếu văn hóa và văn minh có nguồn gốc từ phương Tây. Thì tại phương Đông khái niệm về văn hiến được nhắc nhở đến tại Trung Hoa và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, hai chữ văn hiến thường được nói đến từ khi xuất hiện trong bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi vào năm 1428 qua hai câu:
Như nước Ðại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Theo Chu Hy đời Tống, Trung Hoa giải thích thì văn là “điển tịch dã”. Còn hiến là “hiền dã”. Tức văn chỉ về “khuôn phép, trước tác, sách vở”. Còn hiến chỉ về những “nhân vật hiền tài”. Như vậy, văn hiến là văn hoá, sáng tạo và số lượng hiền tài của đất nước.
Nội dung của văn hiến biểu hiện trong đời sống con người qua các phương diện Văn hóa, Xã hội, Chính trị, Kinh tế. Những biểu hiện này thay đổi liên tục hết thế hệ này tới thế hệ kia theo từng thời kỳ mạnh, yếu của đất nước đã tạo nên lịch sử.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
( Bình Ngô Đạo Cáo của Nguyễn Trãi)
Một cá nhân không hiểu lịch sử dân tộc mình sẽ ngại ngùng, bở ngở trước các dân tộc khác khi được hỏi tới . Điều này, có thể đưa đến sự chối bỏ nguồn gốc và dẫn tới một quyết định mù quáng. Tại hải ngoại có nhiều người ra đường không dám nhận mình là người VN. Ngược lại, đã không hỗ thẹn tự nhận mình là người Tàu, người Nhật, người Đại hàn. Trong khi lịch sử dựng nước, giữ nước của các dân tộc vừa kể không có gì hay ho đáng để tự hào hơn Việt Nam.
Muốn tự hào về dân tộc, người ta phải hiểu được những thứ đáng để tự hào. Phải trang bị cho mình sự hiểu biết về lịch sử. Muốn được như vậy, thì phải hiểu kiến thức mỗi cá nhân không ai cho, không ai biếu, không ai tặng mà người ta phải tự mình tìm đến nó.
Là người Việt Nam khi hiểu được ý nghĩa các hoa văn khắc hình chim, gà, hươu và con người trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ sau thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch tiêu biểu cho sinh hoạt 4 mùa của muôn loài, là một quyển Âm Lịch kỳ diệu thì chúng ta mới hảnh diện được về văn hóa dân tộc.
Nếu biết thành Cổ Loa xây vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch đời vua An Vương Dương có 9 vòng xoáy trôn ốc từ trong ra ngoài với các hào, lũy kiên cố về mặt quân sự là tuyến phòng thủ chống ngoại xâm, về mặt xã hội là nơi cư trú của người dân và về mặt văn hóa là trình độ sáng tạo của con người. Thì thành Cổ Loa xứng đáng là một kiến trúc độc đáo của nhân loại. Bởi vì, đem so sánh với Kim Tự Tháp của Ai Cập xây vào năm 2770 trước Tây lịch tuy có nền kiến trúc văn minh cổ đại, nhưng chỉ là mồ chôn của các vua chúa. Hay Vạn Lý Trường Thành đời nhà Thương do Tần Thủy Hoàng xây vào thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch là một công trình, nhưng chỉ là con đường dài ngoằn ngoèo băng qua các đỉnh đồi.
Phải thấy lý tưởng chiến đấu của Hai Bà Trưng, mới tự hào dân tộc VN đã có người phụ nữ lãnh đạo đất nước đầu tiên trên thế giới vào năm 40 sau Tây lịch. Đem so với nữ hoàng Ai cập Cleopastra nối ngôi vua cha vào năm 51 trước Tây lịch hay đời nhà Đường năm 690 có Võ Tắc Thiên, đời Mãn Thanh năm 1835 có Từ Hy Thái Hậu. Và đối với lịch sử cận đại Anh quốc có nữ hoàng Elizabeth Alexandra Mary, có thủ tướng Margaret Hilda Thatcher; Phi luật Tân có tổng thống Maria Cojuangco Aquino, TT. Macapagal Arroyo và Đức quốc có bà thủ tướng Angela Merkel. Thì những người đàn bà vừa kể, không ai thể hiện được tinh thần quốc gia dân tộc với bốn chữ “ Nợ nước, tình nhà”.
Khi nhận ra được trận thủy chiến của Ngô Quyền vào năm 938 và Trần Hưng Đạo vào năm 1288 trên sông Bạch Đằng với quân Nam Hán, quân Nguyên bằng tầm vong, cọc sắt là sự phối hợp và vận dụng thủy triều một cách khoa học có một không hai của nhân loại, và vào năm 1786 chỉ trong vòng bảy ngày vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Mãn Thanh đông gấp mấy chục lần ra khỏi bờ cõi, mới tự hào mình là dân Việt Nam.
Những chiến công và tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc của tiền nhân vừa kể. So với những trận đánh với vủ khí cận đại khi người Anh ca tụng tướng Bernard Montgomery, người Mỹ ca tụng tướng George Smith Patton, người Pháp ca tụng tướng Charles De Gaulle thời đệ nhị thế chiến về “Trận chiến huyền thoại Normandy 1944”,thì những người này vẫn không sánh bằng.
Nhìn lại dân tộc VN , với hơn 1.000 năm bị Tàu đô hộ và 100 năm bị thực dân Pháp cai trị, nhưng bản sắc dân tộc vẫn còn. Chúng ta không mất gốc, không bị đồng hóa và còn xuất sắc hơn nữa là đã có được một tiếng nói riêng độc đáo. Đặc thù này so với các dân tộc Nam Mỹ như: Mễ, Ba Tây, Á Căn Đình v.v… họ chỉ bị Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đô hộ chưa đầy 100 năm đã mất gốc, tiếng nói không còn. Vậy thì tại sao chúng ta không tự hào về dân tộc của mình?
Người Việt tỵ nạn cộng sản nếu không hiểu rõ lịch sử lá cờ vàng ba sọc đỏ, là sự chuyển hóa nối tiếp của lá cờ dân tộc với “quẻ càng” có nền vàng từ năm 1802 đời nhà Nguyễn, chớ không phải là quốc kỳ của thời đệ nhứt, đệ nhị VNCH. Thì làm sao đủ thuyết phục người nghe, khi muốn triệt hạ lá cờ nền đỏ sao vàng của đảng CSVN bán nước xuất hiện năm 1930, đang áp đặt lên dân tộc Việt Nam.
Người Mỹ không chấp nhận lá cờ “Con Voi Trắng” của đảng Cộng hoà hay “Con lừa ” của đảng Dân chủ là quốc kỳ của mình. Họ chỉ công nhận lá cờ hiện nay có tiểu sử từ 13 ngôi sao (thirteen colonies) đến 50 ngôi sao tượng trưng cho 50 tiểu bang kể từ ngày lập quốc vào năm 1776. Thì phải hiểu người Việt Nam tỵ nạn CS tại hải ngoại không chấp nhận lá cờ máu của đảng CSVN là điều đương nhiên.
Việt Cộng gian ác đang ngụy tạo lịch sử dân tộc. Chúng cho rằng vua Hùng có công dựng nước, nhưng người có công giữ nước là Hồ Chí Minh. Đây là một sự man trá trắng trợn không thể tha thứ được. Do đó, kiến tạo niềm tự hào để trả sự thật cho lịch sử là điều cần thiết đối với mọi thế hệ. Đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang trên đường thay thế cha, thay thế anh trong sự nghiệp xây dựng cộng đồng VN hải ngoại và chuẩn bị kiến tạo một nước Việt Nam độc lập, tự do không cộng sản tại quê nhà.
Với quá trình dựng nước và giữ nước qua bao thăng trầm, dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn. Điều này, phải chăng đã cho thấy chúng ta nhờ có truyền thống “mấy ngàn năm văn hiến” ? Nếu thừa nhận và coi đó là tài sản quí báu của cha, ông để lại thì đây không phải là điều chúng ta ngẫng mặt tự hào hay sao?
Đặng thiên Sơn (26/8/09)
Tài liệu tham khảo:
-Việt Nam Văn Minh Sử của Lê Văn Siêu
-Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
- Bách Khoa Toàn Thư (Wikipedia)
Wednesday, September 2, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment