Bàn về những “chiêu bài mị dân”* Song Chi
Để giữ vững vị trí độc tôn lãnh đạo, để tiếp tục ru ngủ số đông người dân khờ khạo đồng thời dẹp yên những mầm mống tư tưởng hoài nghi, bất phục và đối kháng trong một thiểu số “cứng đầu”, những nhà nước chuyên chế độc tài luôn luôn phải có những “chiêu bài mị dân” của họ. Ví dụ, với nhà nước Trung Quốc hiện nay, người ta thấy rất rõ những chiêu bài đó là sự phát triển kinh tế và niềm tự hào, tự tôn về dân tộc. Chính những thành tích về phát triển kinh tế, sự lớn mạnh về khả năng quân sự quốc phòng, viễn cảnh về một siêu cường quốc trong tương lai… của Trung Quốc chắc chắn đã tạo nên trong lòng đa số dân chúng của họ một cảm giác bằng lòng và tự hào để tạm quên đi khát vọng về tự do dân chủ, nhân quyền được tôn trọng cũng như sự bức xúc trước muôn vàn bất công, phi lý, những điều tồi tệ trong xã hội. Và hai “lá bài” này phải nói là mạnh, bởi vì với đà phát triển kinh tế như hiện nay, với vị thế của một đất nước khổng lồ trên một tỷ dân và với một tham vọng bành trướng, bá quyền đã có “truyền thống” từ xưa, Đảng và Nhà nước cộng sản Trung Quốc có thể yên tâm mà tại vị khá lâu nữa, nếu như không có bất cứ một khúc ngoặt bất ngờ nào đó của thời cuộc.
Học theo đàn anh, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam cũng có những “chiêu bài mị dân” riêng của mình. Trước đây những “chiêu bài” quen thuộc được sử dụng bao nhiêu năm là thành tích về “sự chiến thắng vĩ đại của Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước” và huyền thoại về vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh. Cho đến giờ phút này, những điều này vẫn thường xuyên được lặp đi lặp lại từ trên các phương tiện truyền thông của nhà nước cho đến chương trình giáo khoa suốt 12 năm trung học và cả bậc đại học. Thậm chí, sợ người dân xao lãng, nhà nước còn phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân những cuộc học tập theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất là quy mô và tốn kém, bắt cả sư thầy ni cô trong các nhà chùa cũng phải học!
Từ khi thực hiện chính sách “mở cửa” về kinh tế, chính quyền chuyển sang khuyến khích người dân lao vào kiếm tiền, làm giàu bằng đủ mọi cách và sử dụng lá bài “ổn định chính trị, phát triển kinh tế” để người dân quên đi những nhu cầu khác cũng như những câu hỏi lớn khác về đời sống xã hội chính trị của đất nước. Đối lập với sự ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, một lập luận thường xuyên được những người cầm quyền đưa ra để “hù doạ” nhân dân đó là mọi sự đa đảng, đa nguyên sẽ chỉ dẫn đến sự xáo trộn, rối loạn về chính trị, xã hội và cả kinh tế, lý do là bởi vì trình độ dân trí Việt Nam còn thấp nên mô hình độc đảng với sự lãnh đạo của Đảng CSVN như lâu nay là đúng đắn, tối ưu.
Phải nói là có không ít người dân, nếu không đọc thêm các nguồn thông tin khác hoặc có thêm những trải nghiệm cá nhân về những môi trường sống khác trong những thể chế chính trị xã hội khác, đã tin hoặc tạm bằng lòng với những lý luận như vậy.
Những người cầm quyền đã lừa mị nhân dân của họ với khái niệm về sự ổn định. Tuy nhiên, một xã hội gọi là ổn định về chính trị do được cai trị bởi bàn tay sắt của một thể chế chính trị độc tài, độc đảng không có nghĩa là ổn định về kinh tế và xã hội. Bên dưới cái bề mặt có vẻ ổn định về chính trị, một xã hội được điều hành theo cơ chế “đảng trị” bởi một đảng duy nhất thâu tóm mọi quyền lực trong tay như ở Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn chất chứa những mâu thuẫn, nghịch lý do không có sự cạnh tranh, san sẻ, khống chế và kiểm soát lẫn nhau trong quyền lực chính trị và điều hành đất nước, không có một nền luật pháp rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh mọi sự sai lệch trong phát triển xã hội cũng như phát triển kinh tế. Chưa kể chính cái thể chế chính trị độc tài độc đảng đã tạo điều kiện cho bao nhiêu bất công, phi lý, những vấn nạn xã hội tồn tại và sinh sôi nảy nở không sao giải quyết nổi như nạn tham nhũng, hối lộ, tệ cửa quyền, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn, bản thân người dân thì không có tự do dân chủ và nhân quyền thì bị chà đạp… Còn trong phát triển kinh tế, sự thiếu vắng một nên luật pháp minh bạch và sự cạnh tranh sòng phằng cũng làm cho nền kinh tế của quốc gia đó có nhiều bất ổn, rủi ro. Tất cả những điều đó sẽ tạo nên những mâu thuẫn từ trong bản chất chế độ, như những đợt sóng ngầm âm ỉ chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là trào lên phá vỡ sự ổn định bề mặt kia bất cứ lúc nào.
Cũng như nhà cầm quyền Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn đem những thành tích tăng trưởng về kinh tế và sự thay đổi trên bề mặt xã hội để xoa dịu nhân dân và biện minh cho sự thống trị của Đảng.
Trong khi đó, bị nỗi ám ảnh về cái đói cái nghèo của thời bao cấp, cả xã hội Việt Nam ngày nay đang lao vào kiếm tiền, và không ít người dân tự an ủi rằng so với thời bao cấp chưa xa thì cuộc sống bây giờ đã dễ thở hơn, còn nếu so với cái thời miền Bắc trước năm 1975 thì rõ ràng một trời một vực rồi.
Nhung như đã nói, phát triển kinh tế chỉ mới là một phần trong việc chứng tỏ xã hội đó đang đi lên theo chiều huớng tích cực, còn bao nhiêu vấn đề khác: khoảng cách giàu-nghèo và sự bất công quá lớn trong xã hội, tài nguyên của đất nước bị khai thác đến cạn kiệt, thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc, môi truờng sống bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng cuộc sống của đa số người dân chưa đuợc cải thiện tận gốc và chế độ an sinh xã hội chưa đuợc quan tâm đến, chưa kể là sự xuống cấp, tha hóa về đạo đức xã hội, mọi giá trị đều bị lệch chuẩn… Như thế là một xã hội đang phát triển một cách phi nhân tính và lệch lạc, chệch hướng so với con đuờng phải đi là xã hội phải ngày một văn minh, con nguời ngày một tự do, tự chủ, đuợc coi trọng và hạnh phúc hơn!
Thế nào là một xã hội phát triển lành mạnh, nhân bản, đúng hướng?
Khi mà trong xã hội đó tất cả mọi mục tiêu hướng tới đều phải vì con người, đặt sự tự do hạnh phúc của con người lên trên hết.
Khi mà trong xã hội đó mọi người dân có quyền đi bầu chọn những người xứng đáng nhất lên điều hành đất nước và có quyền lên tiếng phê phán kêu gọi những người này phải từ bỏ chức vụ nếu họ bất tài, thất đức hoặc có những hành vi sai trái làm hại cho đất nước, cho nhân dân. Người dân có quyền lên tiếng bày tỏ chính kiến, quan điểm chính trị xã hội của mình một cách ôn hoà, có quyền phê bình, phản biện mọi chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước mà không bị chụp mũ phản động, phản quốc, bị gây khó dễ thậm chí bị bắt bớ, cầm tù.
Khi mà trong xã hội đó người dân biết rằng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra họ có thể trông cậy vào luật pháp, luật pháp sẽ bảo vệ họ, nhà nước sẽ bảo vệ họ nếu họ đúng, nếu họ bị những kẻ côn đồ hành hung hoặc những kẻ lạ mang danh nước láng giềng anh em đánh cướp, bắt giữ…
Khi mà trong xã hội đó con người từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi luôn luôn cảm thấy an tâm rằng nếu họ lương thiện, đi làm và đóng thuế đầy đủ cho nhà nước thì ngược lại, khi cần họ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của nhà nước như lúc thất nghiệp, khi đau yếu lúc già cả không nơi nương tựa… Và do đó họ có thể sống một cuộc đời nhẹ nhàng ít lo nghĩ, không phải bon chen giành giật mọi cơ hội, chỉ biết chăm chăm thu vén cho cá nhân mình vì khi có việc gì xảy ra không biết trông vào đâu.
Khi mà trong xã hội đó người dân tin rằng đồng tiền đóng thuế từ bao mồ hôi công sức của họ được nhà nước sử dụng một cách hợp lý, công khai và minh bạch.
Mọi người dân đều được tạo điều kiện tốt nhất để học hành và khi đến trường những đứa trẻ không phải học những kiến thức vô bổ, những điều dối trá mà ngay người thầy dạy chúng cũng không tin và bản thân chúng cũng biết như vậy.
Mọi người dân đều có những cơ hội như nhau để thành đạt và bằng cấp, tước vị, chỗ làm đều không thể mua mà có.
Khi mà trong xã hội đó người dân không phải chịu những tai hoạ, những cái chết oan uống có thể đến từ bất cứ đâu, từ bất cứ lý do nào do sự vô trách nhiệm, làm ăn gian dối của người khác như cầu gãy, nhà sập, điện giật trên đường hố ga sụp dưới chân hay sữa nhiễm độc, phở ướp phóoc-môn…
Khi mà trong xã hội đó sự vất vả của người nông dân công nhân được đền bù xứng đáng, tiếng nói của người trí thức được coi trọng, tài năng của người nghệ sĩ được phát triển tối đa trong sự tự do không ai cấm đoán…
Khi mà trong xã hội đó báo chí được quyền nói lên sự thật, được quyền đứng về phía lẽ phải, đứng về phía nhân dân và những giọt nước mắt.
Mọi lời nói phải cũng như mọi tiếng kêu oan không lọt thỏm vào sự im lặng.
Khi mà trong xã hội đó con người không có quá nhiều nỗi lo, cho dù những nỗi lo có lý hay vô lý. Khi con người không có quá nhiều nỗi sợ, và mọi nỗi sợ đều do chính quyền tạo ra.
Khi cái tốt, cái thiện, điều tử tế không phải là điểu hiếm hoi hay bất bình thường và cái xấu, cái ác, điều không tử tế lại tràn ngập khắp nơi và trờ thành bình thường.
Khi con người không vô cảm trước mọi điều tồi tệ đang xảy ra hàng ngày, không cúi đầu bạc nhược trước cường quyền, biết đau đớn trước vận mệnh của đất nước và của dân tộc.
Khi mà trong xã hội đó mọi người biết xấu hổ, kẻ làm quan biết đến đến hai chữ xin lỗi – xin lỗi nhân dân, xin lỗi lịch sử và biềt đến văn hoá từ chức. Khi lòng yêu nước không bị kết tội còn kẻ xu nịnh, phản quốc lại được tôn vinh.
Chỉ khi đó xã hội ấy mới là một xã hội đang phát triển đúng hướng, lành mạnh, và nhân bản.
Còn nếu không, đừng nói với nhân dân tôi về độc lập, tự do và hạnh phúc, về công lao của Đảng, về chủ nghĩa Mác – Lê Nin bách chiến bách thắng và tư tưởng của Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đừng nói với nhân dân tôi muôn vàn những khái niệm, lý luận, những mỹ từ sáo rỗng…
Bởi vì, khi không đem lại được độc lập tự do hạnh phúc cho nhân dân sau hơn sáu mươi năm điều hành đất nước, còn có lý do gì để Đảng cầm quyền đó tiếp tục tại vị?
Nguồn: talawas blo
Sunday, October 18, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment