Monday, October 5, 2009

Tàu cộng: ý đồ bành trướng

Sự bành trướng của Trung cộng
*Đoàn Hưng Quốc

Ý Chính: Trung Quốc tuy có ưu thế tuyệt đối về quân sự nhưng do các yếu tố kinh tế và ngoại giao, bị bó buộc không thể công khai dùng vũ lực chế ngự vùng biển Đông Nam Á. Việt Nam có thể dựa vào yếu tố này để theo đuổi một chính sách ngoại giao công bằng nhưng cứng rắn, với điều kiện nhà nước không bị Bắc Kinh mua chuộc và lũng đoạn.

Mỗi lần có một đại cường quốc trổi dậy là một sự kiên vô cùng trọng đại vì tầm ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở kinh tế chính trị nhưng tác động lâu dài lên văn hoá xã hội, và để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nhân loại.
Các siêu cường thông thường lại lớn mạnh không êm thắm mà trái lại trải qua nhiều máu lửa chiến tranh, đôi khi kéo dài hàng nhiều thế kỷ khi các nền văn hoá va chạm nhau. Mỗi thế lực như La Mã, Đại Quốc Hồi Giáo, Đế Quốc Anh, Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ đều có những nét riêng biệt; hiện Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và không lâu nữa sẽ đứng vào hàng nhất nhì thế giới, bài viết này nhằm tìm hiểu những nét đặt biệt của nước đông dân nhất địa cầu này nhằm đóng góp phần nào cho những dự kiến về tương lai nhất là trong mối quan hệ Việt-Hoa.

***

Điểm nổi bật nhất là khi các đế quốc La Mã, Mông Cổ, Anh Quốc chinh phục thế giới bằng sức mạnh quân sự, Trung Quốc lại tràn ngập thế giới với hàng hoá rẻ.
Điểm thứ nhì là đa số các thế lực quốc tế mang theo ánh sáng văn minh: La Mã để lại quan niệm luật pháp và hành chính; đế quốc Hồi Giáo mang theo niềm tin vào đấng Allah; thực dân Anh Pháp mang đến khoa học thực nghiệm và khái niệm về dân quyền; Liên Bang Xô Viết với sức thu hút của chủ nghĩa cộng sản đại đồng; Hoa Kỳ với quyền tự do cá nhân.
Riêng Trung Quốc lại không có một đóng góp nhỏ nào cho giá trị tinh thần của nhân loại. Cái mà họ gọi “kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa” là một sự chấp vá gượng gạo không thu hút được ai – ngoại trừ Việt Nam (!) – cho dù là các đồng minh thân tín như Iran, Venezuala, Miến Điện, Bắc Hàn. Trường hợp của Trung Quốc có thể so sánh phần nào với các thế lực Mông Cổ, phát-xít Đức Nhật và Liên Bang Xô-Viết: hùng mạnh nhưng lại không đóng góp những giá trị để nhân loại chấp nhận, tất bạo phát bạo tàn.

Trung Quốc phát triển nhờ vào những tình cờ lịch sử, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự khéo léo của Bắc Kinh để nắm lấy các cơ hội. Năm 1969 Trung Quốc từ bỏ quỹ đạo của Liên Bang Xô Viết, năm 1971 mở cửa đón tiếp Hoa Kỳ là do nhu cầu sống còn về an ninh chớ không vì lý do kinh tế. Dân chúng nghèo đói nhưng các lảnh tụ cộng sản Bắc Kinh chỉ tìm cách bảo vệ vị trí của mình ngay cả chấp nhận hợp tác với trùm tư bản Thị trường và xã hội mở khung cửa hạn hẹp vì e sợ những ảnh hưởng của Tây Phương.
Mặc khác, Hoa Kỳ và Tây Âu trong thời kỳ còn chiến tranh lạnh cũng không thể nào mang các phương tiện sản xuất hiện đại vào thị trường Trung Quốc vì sợ các kỷ thuật này lọt vào tay khối cộng sản.

Năm 1988 Liên Bang Xô Viết sụp đổ, giới lãnh đạo Bắc Kinh mới nhận thấy kéo dài kinh tế tập trung là con đường bế tắc.. Tuy vậy cải cách theo kiểu Nga Xô làm tan rả hổn loạn cả liên bang cũng không được, đảng cộng sản vừa lo sẽ bị mất quyền hạn vừa sợ đất nước bị chia năm xẻ bảy như thời lục quốc, điều mà người Hán không thể nào chấp nhận. Đặng Tiểu Bình đã khéo léo chấp vá hai giải pháp, vừa mở cánh cửa kinh tế cho phép tư hữu và tư doanh nhưng không hề nới lỏng uy quyền lãnh đạo tập trung vào đảng.

Khi Mao Trạch Đông đón tiếp tổng thống Richard Nixon thì giới tư bản đã nhìn Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ khổng lồ – câu nói thông thường vào thập niên 70-80 là chỉ cần mỗi người dân Tàu uống một lon thì doanh vụ của Coca Cola tăng lên 1 tỷ. Nhưng cánh cửa mậu dịch mở ra, giới tư bản lại khám phá một đội ngũ nhân công dồi dào, rẻ tiền và siêng năng.
Chiến tranh lạnh chấm dứt nên mối lo về chủ nghĩa cộng sản cũng hết, các chính quyền Hoa Kỳ và Âu Châu dễ dãi cho tư bản Tây Phương ồ ạt đầu tư cả về kỷ thuật tiên tiến (các con chip điện tử, máy móc nông nghiệp, ….) vừa lạc hậu (hàng hoá may mặc, đồ chơi, ….)

Một ngẫu nhiên lịch sử khi Trung Quốc đổi mới đúng vào lúc ngành Internet bùng nổ lan tràn khắp thế giới. Chỉ trong 10 năm xây dựng hệ thống tin học giao dịch giữa Đông-Tây dễ dàng qua một cái bấm chuột. Hãng xưởng đầu tư vào Trung Quốc nhưng vẫn điều hành từ Âu-Mỹ, rồi ồ ạt chở hàng hoá xuất cảng ra toàn thế giới. Giới lao động tại Hoa Kỳ có lo mất việc làm nhưng bù lại, xí nghiệp ngày càng lời, đồ tiêu dùng ngày càng rẻ nên dân chúng cũng không ta thán gì nhiều. Hiệu năng sản xuất của Trung Quốc kèm giá hàng không tăng đã giúp Hoa Kỳ giữ lạm phátở mức độ thấp 2-3% trong suốt cả thập niên.
Khía cạnh khác khi Trung Quốc tạo ra quá nhiều tiền của nhưng không biết gởi vào đâu nên mua công phiếu của Hoa Kỳ là chỗ an toàn, nhà nước Mỹ có điều kiện tiêu xài phung phí thâm thủng ngân sách mà tiền bạc vẫn dồi dào để dân chúng mua nhà cửa, sắm sửa tiêu xài sung sướng thì đúng là đôi bên cùng hưởng lợi.

Chúng ta phải công tâm nhìn nhận trong 20 năm cường quốc Trung Hoa bành trướng nhưng chưa hề đem quân xâm chiếm ai, trái lại dân chúng họ làm việc cật lực ngày đêm, phục dịch thế giới và nhất là Hoa Kỳ. Nhưng khi họ giàu mạnh sẽ đổi thái độ, như trong 5-3 năm nay đã công khai ra mặt chèn ép Việt Nam.

Người viết trước nay vẫn không tiêu xài phung phí (theo tiêu chuẩn Mỹ) vậy mà cách đây 2 tháng khi dọn nhà, đồ đạc không dùng đến chất chồng phải mất 6 tuần mới soạn bỏ hết! Vậy mới thấy người Hoa làm việc cật lực, biến đất nước đẹp đẽ của họ thành một đống rác của thế giới. tạo ra của cải dư thừa cho dân Mỹ mua sắm rồi không xài, tới lúc đem ra bỏ rác cũng phát mệt – dùng từ ngữ kinh tế là chính sách phát triển không bền vững, còn nôm na là bộ mặt thật của nền mậu dịch toàn cầu.

Khi người viết đọc về vụ Bô-Xít không khỏi nhớ đến một bản tin về hảng xưởng Trung Quốc đầu tư khai thác quặng mỏ tại Phi Châu. Họ đem công nhân sang vì dân Tàu ăn ít mà lại làm việc siêng năng hơn người bản xứ! Nếu so sánh Trung Quốc ngày nay và thực dân trước đây: Pháp chiếm đóng lãnh thổ, cho người qua làm chủ nhân bắt dân Việt lên rừng xuống núi làm chết sống tại các đồn điền; còn người Hoa làm cả chủ lẫn thợ; kết quả là người Việt vừa mất tài nguyên vừa không có công ăn việc làm, nhưng nhà nước và cán bộ thu vào món tiền béo bở, thì chúng ta phải trách mình chớ không trách người ngoài.

Từ Âu-Mỹ sang Phi, Úc nơi nào cũng tràn ngập vật dụng tiêu dùng từ Trung Quốc nên các hình thức chống đối như đòi tẩy chay hàng hoá đều vô hiệu quả; nếu thực hiện thì giá quần áo, giày dép, đồ điện tử, xà bông khăn tắm… giá cả tăng vọt; riêng tại Hoa Kỳ, các cửa hàng được người Việt yêu chuộng như Target, Wal-Mart sẽ bị thiệt hại nặng nề và đóng cửa.
Nhưng mặt trái là thế lực Trung Quốc hoàn toàn giới hạn vào việc cung cấp hàng rẻ mạt cho thế giới. Không ai đánh giá cao nền tổ chức xã hội và nền văn hoá hiện đại của Trung Quốc. Không một ai nhìn về Bắc Kinh và bị thu hút như đối với các thành phố Rome, Paris, New York, Mecca, hay khi Moscova còn là trung tâm điểm của chuyên chính vô sản. Trung Quốc là một người khổng lồ bắp thịt nhưng thiếu vẻ đẹp, giống như Mông Cổ và Phát Xít, hùng mạnh nhưng bị chê bai; ba đế quốc này cùng chia sẻ điểm tương đồng là phát triển từ mặc cảm thua thiệt thay vì là một cái nôi cho nền văn minh nhân loại.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rõ là họ không có những đồng minh chân chính, những dân tộc cùng lý tưởng. Chơi với các nhà cầm quyền Iran, Venezuala, Nga, Pakistan, Miến Điện, Việt Nam vì quyền lợi nên ngay cả khi thân thiện cũng dùng thủ đoạn mà không hề tin tưởng lẫn nhau. Thế giới mua hàng rẻ nhưng ai cũng sợ Trung Quốc thực sự trở thành một đế quốc quân sự và chính trị. Cho nên Bắc Kinh ở thế rất khó là ngay cả một phiêu lưu quân sự nhỏ nhoi nào ra khỏi biên giới cũng bị cả thế giới xem như bước đầu bành trướng, họ sẽ gặp phản ứng đồng loạt và dữ dội, và có thể bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Người viết đề nghị nhà cầm quyền Hà Nội nên suy nghĩ rất kỹ về điểm này, rằng dù không hải quân Trung Quốc mạnh thập bội Việt Nam nhưng họ không có thế chính trị để phiêu lưu quân sự, chúng ta nên dựa vào đó để có chính sách cứng rắn bảo vệ lảnh hải mà không sợ bị Trung Quốc tấn công.

Vì thiếu sức hấp dẫn của ý thức hệ nên Bắc Kinh không có nhiều khả năng xoay sở, không lợi dụng được khủng hoảng tại Âu-Mỹ để bành trướng thế lực. Khi Hoa Kỳ chưa tìm lối thoát trong tranh chấp với khối Hồi Giáo cực đoan thì ngược lại Bắc Kinh cũng không tạo được thêm ảnh hưởng chính trị ở vùng Trung Đông ngoại trừ ve vãn Iran, cho dù biết rỏ giữa hai nước không có một quan hệ tương đồng nào cả. Khi Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng kinh tế thì Bắc Kinh ấm ức đòi hỏi thay thế đồng đô la bằng một đơn vị tiền tệ quốc tế khác, cho dù biết rằng các nước ủng hộ đề nghị này như Brazil, Nga đều điêu đứng với hàng hoá Trung Quốc tràn lan nên không dại gì hợp tác giúp Bắc Kinh có cơ hội thao túng thêm nền kinh tế của họ.

Trung Quốc là một người khổng lồ không có trái tim nhưng lại có bộ óc hướng ngoại. Đảng cộng sản lo sợ mở cánh cửa kinh tế lại du nhập các quan niệm dân chủ, nhân quyền, đe doạ quyền lãnh đạo độc tôn của họ. Dân chúng Trung Hoa phần nào có tăng về tự hào dân tộc, nhưng mặt khác lại yêu chuộng nếp sống, thời trang, âm nhạc, phim ảnh và nền khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ và Âu Châu.

***
Phần trên viết về các điểm yếu của Trung Quốc thì dưới đây xin đề cập đến thế mạnh của họ. Thế giới không thể nào đánh giá thấp về tiềm năng của dân tộc Trung Hoa. Thế giới đã rung chuyển khi Trung Quốc hiện chỉ dùng 1/3 năng suất – của 300 triệu người sống miền ven biển, thì không ai cóthể tưởng tượng được tác động như thế nào khi số dân còn lại 800 triệu người tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Hàng hoá Trung Quốc hiện bị chê rẻ tiền và thiếu phẩm chất. Nhưng xin nhớ lại 60 năm trước đây hàng Nhật cũng liệt hạng kém; 15 năm trước đồ Nam Hàn bị chê bai. Giờ đây các đại công ty Sony, Panasonic, Samsung, LG sánh ngang hàng với bất cứ một đại xí nghiệp nào của Âu Mỹ. Ý chí của người Hoa không chỉ giới hạn làm nhân công rẻ cho thế giới mà họ đang ồ ạt đầu tư vào thành phần ưu tú cho nghiên cứu, sáng tạo. Người viết nghĩ rằng chỉ khoảng 20 năm nửa Trung Quốc sẽ có những công ty tên tuổi lớn hàng đầu trên thế giới.

Nhật Bản, Đại Hàn khi lớn mạnh chuyên về sản xuất hàng hoá chất lượng cao mà bỏ dần thị trường phía dưới. Trái lại Trung Quốc với nguồn nhân lực vô tận sẽ phát triễn song song cả hai hướng: hàng tốt xuất cảng sang Âu-Mỳ; còn đồ rẻ tiền, phẩm chất kém lại đổ tràn ngập trong thị trường nội địa và các nước kém mở mang như Việt Nam, Cam Bốt, hay ở Phi Châu. Nói nôm na, thượng vàng hạ cám, cở nào họ cũng vét sạch.

Từ hơn 30 năm nhiều nhà quan sát đã tiên đoán đảng cộng sản Trung Quốc sẽ mất quyền lãnh đạo độc tôn một khi dân chúng trở nên giàu có, hiểu biết. Trường hợp này vẫn có thể xảy ra; nhưng đồng thời người viết nghĩ rằng các nhà quan sát Tây Phương không hiểu được mức độ nhẫn nhục chịu đựng của người dân Tàu. Họ trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến; họ mất nước hơn 200 năm vào tay người Mãn Thanh; họ tủi nhục vì bị Âu Châu và Nhật Bản đánh bại; họ chịu đựng bần cùng dưới chính sách công nông, cải tổ ruộng đất và cách mạng văn hoá.
Lần đầu tiên từ nhiều trăm năm người Hoa có hy vọng thực sự rằng đất nước của họ sẽ tiến lên hàng nhất nhì trên thế giới, không bởi lời tuyên truyền giả dối về “đỉnh cao trí tuệ” mà bằng ý chí và năng lực làm việc; họ tin rằng con cái của họ sẽ có tương lai sáng lạn hơn các thế hệ trước.
Trong hai giả thuyết hoặc người Hoa sẽ chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản như họ đã nhẫn nại chiụ đựng hàng ngàn năm để tránh không rơi vào hổn loạn và vấp phải các bước thụt lùi cho sự phát triễn; hay họ sẽ hấp thụ những tư tưởng mới, đòi hỏi các quyền lợi chính trị đa nguyên khi nền kinh tế mở mang – người viết không có tiên liệu được tương lai.

***

Phần phân tách bối cảnh toàn bộ giữa Trung Quốc và thế giới; nhưng hoàn cảnh đặc thù với Việt Nam thì lại rất khác. Đa số thế giới muốn hợp tác với Trung Quốc trong quá trình tiến bộ chung mà không vướng vào các tranh chấp “nóng”. Riêng Việt Nam vì hoàn cảnh địa lý và lịch sử nên gần như sự phát triễn nào của người láng giềng phương Bắc cũng có thể là một mối đe doạ cho dân tộc, giới lãnh đạo phải khôn khéo vận dụng chiều hướng chung hoà bình và phát triễn của nhân loại nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trước hết chúng ta phải nhìn nhận vài tác động tích cực của Trung Quốc vào Việt Nam. Hà Nội đã khôn khéo chọn con đường Đổi Mới theo kiểu mẫu Trung Quốc thay vì khép kín như Cuba và Bắc Hàn nên kinh tế phát triển ngoạn mục trong nhiều năm liền, đời sống người dân không còn bần hàn rách nát như xưa, và xã hội lại có dịp tiếp cận với nền văn minh va quan niệm tiến bộ trên thế giới. Hàng hoá Trung Quốc rẻ giúp cho đất nước tiến nhanh vào con đường hội nhập (máy điện toán, điện thoại di động, …) và khiến người Việt tăng tiêu thụ (quần áo, giày dép, thời trang, ….)

Tại Âu-Mỹ ít nhất còn có tiếng nói của Hành Pháp, Lập Pháp, các nghiệp đoàn bảo vệ tính cạnh tranh của xí nghiệp và công ăn việc làm của dân chúng; còn được các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu thụ cảnh giác về phẩm chất độc hại. Riêng đối với các nước thiếu quyền tự do ngôn luận thì Trung Quốc cấu kết với giai cấp lãnh đạo để đổ tràn hàng hoá mà không hề bị kiểm soát: hàng rẻ, nguy hiểm cho người tiêu dùng (nhưng đồng thời chính các công ty của người Việt cũng bán hàng chất lượng xấu cho người Việt); xí nghiệp bản xứ bị sức ép của công ty Trung Quốc không có cơ hội ngoi lên; giá công nhân lúc nào cũng rẻ mạt vì không học được tay nghề mới, nay lại còn phải cạnh tranh với xuất khẩu lao động từ Trung Quốc, lương bổng đã thấp nhưng năng xuất làm việc lại không thua ai! Thêm vào đó buôn lậu là tệ nạn không lường được: Việt Nam thâm thủng 10 tỷ đô-la trong cán cân mậu dịch chính thức, thì có lẽ còn thua thiệt thêm 10-15 tỷ đâu đó vì hàng lậu. Hàng lậu giá rẻ, lại không phải chiụ thuế thì ai có thể cạnh tranh nổi.

Tác động môi trường của Trung Quốc lên các nước láng giềng cũng không nhỏ. Đây là một anh khổng lồ cần được tiếp tế nguyên vật liệu nuôi dưỡng cho bộ máy phát triển: họ đã xây những đập thuỷ điện to lớn ở thượng nguồn các sông vùng Đông-Á tạo ra ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng xuống hạ nguồn và cho chính đất đai của họ. Khi cần khai thác quặng mỏ một cách chính thức thì Trung Quốc vừa mua chuộc, vừa áp lức nhóm cầm quyền tại Phi Châu, Việt Nam, Lào, Cam Bốt để thầu với điều kiện thuận lợi, giá rẻ mà lại không có các điều kiện gắt gao bảo vệ môi trường; còn nếu khai thác lậu được thì lại càng dễ, tha hồ mua và phá hoại rừng núi, động vật, khoáng sản như thang đá … mà không bị ai kiểm soát.

Tác động trực tiếp nhất đến Việt Nam là lãnh hải vì Trung Quốc muốn kiểm soát các tài nguyên và con đường biển vùng Đông Nam Á. Chính sắc của Bắc Kinh là mua chuộc hay hù doạ nhóm cầm quyền vốn mưu đồ quyền lợi bè phái và cá nhân; dùng áp lực kinh tế tạo ra các cơn khủng hoảng giả tạo về xăng, gạo, trong thị trường chứng khoán và địa ốc mỗi khi có những mối bất đồng.

Để kết luận, người viết xin đề nghị 4 đối sách với Trung Quốc sau đây:

1. Đàm phán về thương mại song phương để hàng Trung Quốc không tràn ngập thị trường trong giai đoạn nền công nghệ của Việt Nam cần được bảo vệ để phát triển; khi tình trạng thất nghiệp còn cao và lương bổng thấp; đồng thời kiển soát bảo vệ chất lượng hàng hoá tối thiểu không có tính độc hại cho người tiêu thụ.

2. Ngăn chận các đường giây buôn lậu qua ngỏ biên giới.

3. Minh bạch hoá tiến trình đấu thầu xây dựng đường xá, cầu cống và khai thác tài nguyên thiên nhiên; đối xử không phân biệt giữa các công ty Trung Quốc, Âu-Úc-Mỹ-Nhật.

4. Cứng rắn với Trung Quốc trong việc bảo vệ lảnh hải và quyền hạn của dân Việt Nam khai thác tài sản đất nước mình.


Trung Quốc dù có ưu thế tuyệt đối về không hải lực nhưng không dám phiêu lưu quân sự vì sẽ gặp sự chống đối của toàn thế giới và hứng chiụ các hậu quả không lường về kinh tế, có thể dẫn đến sư sụp đổ về chính trị, nên Việt Nam không có lý do gì phải sợ Trung Quốc ngoài trừ vì mất quyền lợi cá nhân hay bè phái.

No comments:

Post a Comment