Sunday, October 11, 2009
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Khen Ngợi Cộng Đồng Việt Tị Nạn
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tâm tình với DB Cao Quang Ánh, trước sự chứng kiến của DB Frank Wolf, 06/10/09 (ảnh Quốc Hội Hoa Kỳ)
Tại buổi ăn trưa ngày hôm qua với anh bạn hiện làm Giám Đốc Điều Hành của Uỷ Ban Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ, tôi tình cờ được anh kể về lời khen ngợi của Đức Đạt-Lai Lạt-Mạ dành cho cộng đồng Việt tị nạn và lời khuyên của ngài cho dân tộc Việt Nam.
Anh cho biết lời khen này được chuyển đến Dân Biểu Cao Quang Ánh tại buổi đón tiếp ngày 6 tháng 10 ở Hoa Thịnh Đốn với Uỷ Ban Nhân Quyền Tom Lantos.
“Người Việt tị nạn chịu khó hợp quần với nhau, chịu khó học hỏi để thăng tiến trong xã hội mới mà vẫn duy trì được nền văn hoá truyền thống của mình. Đó là tấm gương mà người Tây Tạng ở hải ngoại cần noi theo,” Đức Đat-Lai Lạt-Ma nói, theo lời anh bạn này kể lại.
Tò mò, tôi hỏi thăm DB Cao Quang Ánh thì được biết thêm là sau lời khen ngợi, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nhắn nhủ DB Ánh:
“Ông cần dõng dạc lên tiếng cho cộng đồng của Ông ở cấp quốc gia và quốc tế không chỉ như một vị dân biểu Mỹ mà là một vị dân biểu Mỹ gốc Việt.”
Tại buổi tiếp xúc trang trọng và đầy xúc cảm ấy, DB Ánh kể lại chính cuộc đời tị nạn của mình và những nỗ lực của Ông tại Quốc Hội nhằm tranh đấu cho tự do tôn giáo ở Việt Nam . Cũng giống như Đức Đa Lai Lạt Ma, DB Ánh phải rời bỏ quê hương, một đất nước nằm dưới chế độ cộng sản, nơi mà tự do tôn giáo và quyền làm người bị chà đạp hàng ngày. DB Ánh nêu lên tình trạng ở Thái Hà, Tam Toà, Bát Nhã, và những vị phạm khác nữa về tự do tôn giáo ở Việt Nam .
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khuyên nhủ cộng đồng Việt tị nạn, qua DB Ánh, đừng nản chí, đừng bỏ cuộc: “dù đang có nhiều khó khăn, tự do sẽ đến.”
Sau đó Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nói về sự quan trọng của tính đa dạng văn hoá nhằm tạo nên một xã hội dung dị và nhân đạo và choàng cho DB Ánh tấm khăn choàng Tây Tạng làm kỷ niệm.
Trước đó, Uỷ Ban Nhân Quyền Tom Lantos đã trao cho Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giải thưởng Nhân Quyền Tom Lantos, một giải thưởng cao quý. Tại buổi trao giải thưởng có bà quả phụ Annette Lantos, vợ của DB Tom Lantos. Cùng tham dự còn có nữ Dân Biểu Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện; Dân Biểu Howard Berman, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Quyền Tom Lantos; Thượng Nghị Sĩ John McCain; và nhiều thành viên của Quốc Hội.
Điều trùng hợp hi hữu là chính DB Lantos cũng là một người tị nạn cộng sản đến từ Hung Gia Lợi. Khi sinh tiền, DB Lantos là một trong những kiện tướng cho nhân quyền ở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Cuộc đón tiếp vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng nói lên mối quan tâm của Quốc Hội Hoa Kỳ về tình hình ở Tây Tạng và sự yểm trợ của dân tộc Hoa Kỳ dành cho nguyện vọng tự chủ của dân tộc Tây Tạng. Đáng tiếc là chính Tổng Thống Obama, vì áp lực của Trung Cộng, đã không đón tiếp Đức Đa Lai Lạt Ma.
Hoá ra, do tình cờ mà tôi biết được là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma có quan tâm và theo dõi cuộc đấu tranh của cộng đồng Việt tị nạn cho nền tự do tôn giáo ở quê nhà. Tôi muốn chia sẻ điều này với mọi người Việt trên thế giới và ở Việt Nam trong hoàn cảnh của cuộc đàn áp tôn giáo ngày càng leo thang ở trong nước.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 10 tháng 10, 2009
(*nguồn: www.take2tango.com )
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment