Friday, October 23, 2009

Một phán quyết không minh bạch cần sửa sai để duy trì công lý

* Đặng thiên Sơn
Trong một bài viết tựa đề “Không ai muốn bất hạnh đến với mình”, tôi đã đề cập đến cái chết Daniel Sơn Phạm, 27 tuổi, con của ông bà Phạm Vinh cư ngụ tại thành phố San Jose, Bắc California. Câu chuyện xảy ra đúng vào ngày Chủ nhật lễ Mother’s day (Ngày hiền mẫu) 10 tháng 05 năm 2009. Ngày này, lẽ ra là ngày gia đình xum họp, vui vầy. Nhưng lại là ngày chia lìa, khổ đau của gia đình ông Phạm Vinh. Câu chuyện thương tâm xảy ra khi anh của Daniel Sơn Phạm là Brian Phạm gọi cảnh sát đến nhà mình để giúp đỡ đưa em mình vào nhà thương vì cơn bịnh tâm thần nổi lên. Nhưng khi cảnh sát đến nơi! Thay vì “giúp đỡ dân”, cảnh sát đã ra tay “bắn chết dân” bằng bốn phát đạn.

Khi hay tin con chết, trả lời phỏng vấn báo chí Việt – Mỹ, ông Phạm Vinh đã thảng thốt kêu lên: “Gia đình chúng tôi muốn biết tại sao con trai mình phải chết. Chúng tôi chỉ gọi 911 để xin giúp đỡ, chớ đâu phải gọi họ đến để giết con mình”. Và Brian Phạm đã kể lại cho mọi người nghe, là khi cảnh sát đến anh đã nói lớn nhiều lần bằng tiếng Anh: “Don’t kill him. He’s mentally ill (Xin đừng bắn nó. Nó bị bịnh tâm thần). Nhưng những tiếng cầu khẩn thảm thiết của Brian Phạm vô dụng đối với hai cảnh sát tên Matthew Blackerby và Brian Jeffrey. Bốn phát đạn đã làm cho người thanh niên vô tội chết liền tại chỗ.Để giải thích thái độ hành xử chớp nhoáng hơn phim cao bồi “Bắn chậm thì chết” của nhân viên cảnh sát San Jose. Xin hãy đọc đoạn tường thuật trên báo San Jose Mercury News ngày 14/5/09: “San Josse police officers Matthew Blackbery and Brian Jeffrey arrived at the bloody and chaotic Berryessa neighood home Sunday not knowing the attacker lurking somewhere inside was mentally ill. Event they had known, police officials said Tuesday, they would not have acted any differently” (Cảnh sát San Jose Matthew Blackbery and Brian Jeffrey đến nơi lộn xộn có đổ máu ở khu Barryessa, vào ngày Chủ nhật, không biết kẻ tấn công núp ở chỗ nào là người bị bịnh tâm thần. Hôm thứ Ba, giới chức thẩm quyền cảnh sát trả lời là dầu cho khi họ biết điều này họ cũng không thể có hành động nào khác hơn). Không có hành động nào khác hơn, có nghĩa là bịnh tâm thần cũng phải chết.
Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát San Jose nổ súng giết người khi nhận được điện thoại 911 để nhờ giúp đỡ. Riêng đối với Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt tại San Jose, đây là lần thứ hai. Lần thứ nhứt xảy ra vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm 2003. Ngày này, cảnh sát đã bắn chết cô Trần Thị Bích Câu một thiếu nữ yếu đuối, nhỏ nhắn cao chỉ quá 1 mét 4 tại nhà cô trên đường Taylor. Sáu năm sau, vào buổi trưa ngày 10 tháng 5 năm 2009, hai cảnh sát Matthew Blackbery và Brian Jeffrey đã bắn chết Daniel Sơn Phạm tại sân sau nhà trên đường Commodore. Cả hai nạn nhân của cảnh sát, Trần thị Bích Câu và Daniel Sơn Phạm đều là những người bị bịnh tâm thần.
Hàng ngày theo dõi tin tức trên các hệ thống truyền thanh, truyền hình. Mọi người điều thấy nhân viên cảnh sát thật kiên nhẫn khi đuổi bắt kẻ phạm pháp trên xa lộ. Hay khi họ bao vây một công sở, một nhà hàng, một trường học, nơi kẻ tội phạm đang ẩn náu, có vũ khí trên tay. Họ hành động với sự nhẫn nại đáng mến phục. Ngoài ra, họ còn dùng loa phóng thanh, dùng những lời lẽ khuyến dụ các đối tượng đầu hàng. Nói một cách khác, nhân viên cảnh sát khắp nơi ai cũng tỏ ra tôn trọng mạng sống con người, kể cả mạng sống những kẻ sát nhân. Nhưng ngược lại, hành động nổ súng giết chết cô Trần thị Bích Câu và thanh niên Daniel Sơn Phạm, đã cho thấy một số nhân viên cảnh sát thành phố San Jose coi mạng người như cỏ rác và là những người có máu lạnh.
Câu hỏi đặt ra, là khi được huấn luyện trở thành cảnh sát họ có được dạy phải kiên nhẫn trong mọi tình huống để tránh thiệt hại sinh mạng cho cả hai bên hay không. Nếu có, tại sao hai cảnh sát viên Matthew Blackbery và Brian Jeffrey không kiên nhẫn dành ra 5, 10, 15 phút hay lâu hơn nữa, để đợi cho “cơn điên” của Daniel Sơn Phạm hạ xuống. Bắn chết Daniel Sơn Phạm, một người bị bịnh tâm thần, là hành động độc ác của Matthew Blackbery và Brian Jeffrey. Sự độc ác này cần phải làm sáng tỏ để sau này tránh những trường hợp không cần thiết phải nhúng tay vào máu của cảnh sát.
Làm sáng tỏ vụ án mạng không có nghĩa bắt những đã kẻ dính líu vào máu phải nhận tội sát nhân dù cố sát hay ngộ sát. Mà làm sáng tỏ, là sự giải thích minh bạch về tình huống đã thúc đẩy Matthew Blackbery và Brian Jeffrey đến quyết định phải nổ súng. Sự giải thích rõ ràng của chính quyền trong cái chết của Daniel Sơn Phạm, sẽ dẫn đến quyết định của người dân là còn tin tưởng hay không còn tin tưởng vào chính quyền khi gọi số khẩn cấp 911.

Đồng hương tham gia buổi tập hợp đòi Biện Lý Cuộc Triệu Tập ĐẠI BỒI THẨM ĐOÀN CÔNG KHAI ĐỂ LÀM SÁNG TỎ vụ Cảnh Sát Bắn Chết Một Thanh Niên Gốc Việt Daniel Phạm ngày 6 tháng 10, 2009 trước tiền đình Quận Hạt Santa Clara. (Photo: MyLoi – VVV)
Sau 6 tháng im lặng và sau hai ngày thảo luận, điều tra 13 và 14/10/09, với sự tham dự của Bồi Thẩm Đoàn. Văn phòng Biện Lý Cuộc quận hạt Santa Clara của bà Doroles Carr đã ra phán quyết Matthew Blackbery và Brian Jeffrey hành động không có gì sai trái, nên miễn truy tố trước tòa án.Trả lời phỏng vấn trên đài Vietnam AM 1430 vào trưa ngày 18/10/09, ông Phạm Vinh cho biết Biện Lý Cuộc đã dựa theo trả lời “Yes” hoặc “No” của các nhân chứng và quyết định của Bồi Thẩm Đoàn, nói rằng hai nhân viên cảnh sát không hề biết Daniel Sơn Phạm bị bịnh tâm thần. Đây là kết luận của một phán quyết gian dối, khi sự thật đang nằm trong cuốn tape ghi âm mà các giới chức liên hệ trong chính quyền đã toa rập ém nhẹm không công bố. Vì có thể nói, với hệ thống an ninh tối tân nhứt thế giới của Hoa Kỳ, hơn ai hết, cảnh sát viên Matthew Blackbery và Brian Jeffrey trên đường đến hiện trường họ đã biết rõ Daniel Sơn Phạm là người bị bịnh tâm thần, và còn biết rõ đó không phải là lần thứ nhứt cảnh sát đến nhà nạn nhân để can thiệp.
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông Kansen Chu tỏ ra dè dặt trước cái chết của Daniel Sơn Phạm. Đến nay, ông ta không đưa ra một văn thư chính thức nào đề nghị HĐTP giải quyết thỏa đáng cái chết của Daniel Sơn Phạm theo như nguyện vọng của CĐVN. Sự im hơi này là một bài học để những cử tri tại khu vực 4 suy nghĩ về chức năng của một nghị viên. Bên cạnh đó, là sự im lặng khác thường của bà Madison Nguyễn so với vụ án Trần thị Bích Câu năm 2003.
Trong bài báo tựa đề: “Tình trạng tiến thối lưỡng nan của nữ nghị viên Madison Nguyễn” (The dilemma of San Jose Councilwoman Madison Nguyen) của bình luận gia Scott Herhold trên báo SJMN ngày 18/10/09, trong phần đầu bài viết cũng đã đề cập đến sự khác thường về hai hình ảnh, nhưng cùng một sự kiện nổ súng chết người của cảnh sát San Jose. Đối với vụ Trần thị Bích Câu Madison Nguyễn xuống đường chống cảnh sát, nhưng vụ Daniel Sơn Phạm lại nín thinh.
Gạt ra ngoài mọi thành kiến, bất đồng, mâu thuẫn và rạn nứt giữa bà Madison và đa số người Mỹ gốc Việt tại San Jose, lẽ ra bà Madison phải thấy rằng sự kiện Daniel Sơn Phạm bị cảnh sát San Jose bắn chết chẳng liên quan gì đến sự kiện Little Sàigon, sự kiện bà ngăn cản nghị quyết cờ vàng hay vấn đề bà ta đã bị hơn 5 ngàn cử tri khu vực 7 bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 3 tháng 3/2009. Vì đây là vấn đề nhân bản, nghĩa vụ lẫn nhiệm vụ của một đại diện dân khi đối diện trước một cái chết có nhiều nghi vấn. Nhưng tiếc thay vì quyền lợi cá nhân, vì tham vọng tái ứng cử vào năm 2010, vì thói “đền ơn” bà nghị viên cần phải “đền ơn cảnh sát” đã ủng hộ No recall, nên đã im lặng đạp lên máu và nước mắt của gia đình nạn nhân mà đi.
Phán quyết của Biện Lý Cuộc ngày 14/10/09, đã cho thấy cái gọi là “Dự Luật Trong Sáng, Công khai” (Sunshine Ordinance) do ông Chuck Reed đề ra là chuyện nói vậy chớ không phải vậy. Mặc dù Chuck Reed có những lời nói có vẻ thành thật trong bài xã luận của báo SJMN ngày 19 tháng 10/ 09, tựa đề: “Trường hợp Phạm cần đưa ra nhiều tiết lộ của cảnh sát hơn” (Pham case shows need for more police disclosure). Bài báo viết: “Reed nói cuồn tape 911 nên công bố để chứng minh việc nào đó, tốt hơn là không có gì, và cuồn băng nên được phổ biến sau cuộc họp của bồi thẩm đoàn…Khi cuồn tape được phổ biến, nó có thể làm sáng tỏ hoàn cảnh cảnh sát đã làm, kể cả việc Phạm bị bịnh tâm thần và mức độ được đánh giá là nguy hiểm. Báo cáo tường trình của cảnh sát sẽ làm người dân hiểu chuyện gì đã xảy ra”. Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ông Chuck Reed lại không thỏa mãn nguyện vọng của gia đình nạn nhân và hàng ngàn thỉnh nguyện của cử tri VN như những điều ông đã nói trên báo SJMN trước khi có phán quyết của Biện Lý Cuộc?
Duy trì sự trong sáng công lý của một quốc gia vốn tự hào thượng tôn luật pháp là điều cần thiết. Nhưng để thực hiện điều này, thiết nghĩ Hội Đồng Thành Phố, Sở cảnh sát và Văn phòng Biện lý Santa Clara nên theo nguyện vọng của gia đình nạn nhân, Ban Đại Diện Cộng Đồng VN, các Đoàn thể và hàng ngàn thỉnh nguyện thư của người Mỹ gốc Việt yêu cầu chính quyền triệu tập một Bồi Thẩm Đoàn mới, làm việc công khai với những nhân chứng, vật chứng do sở cảnh sát cung cấp. Có được như vậy thì thật sự mới khiến mọi người hiểu được lời thị trưởng Chuck Reed đã nói: “The police report might lay out other circumstances that would help people understand what happened”.
* Đặng thiên Sơn (22/10/09)

No comments:

Post a Comment