Saturday, October 17, 2009

Cải tổ y tế: “ Ông Obama đã bước chân phải vào lịch sử, đang muốn thò thêm chân trái…!”

*Đặng thiên Sơn
Một trong bốn bài hát được trình bày trong buổi lễ đăng quang của tổng thống Obama, bài có ý nghĩa nhứt là bài At Last. Đây là bài hát do nhạc sĩ Mack Gordon và Harry Warren viết vào năm 1941, làm nhạc đệm cho phim Orchestra Wives. Bài này đã được nữ ca sĩ da đen Beyonce trình bày, khi ông Obama cùng vợ là bà Michelle bước ra sân khấu cùng nhảy để bắt đầu cho chương trình buổi lễ đăng quang vào ngày thứ Ba 21 tháng 01 năm 2009. Với giọng hát cất cao lanh lãnh, ca sĩ Beyonce đã diễn tả được tất cả ý nghĩa bên trong của bài hát. Mà ở đó, qua thuật ngữ, người nghe cảm nhận được sự thành đạt của con người sau một thời gian cố gắng.

Sự kiện thượng nghị sĩ Barrack Hussein Obama, dân da màu, thuộc giai cấp nô lệ. Hôm nay, nghiểm nhiên trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc sau 223 (1776-2009) năm dựng nước của người da trắng, đã nói lên những gì bài At Last muốn diễn tả. Nhưng, ông Obama chưa
ngừng tham vọng của mình tại đó. Ông còn muốn làm thêm một điều mà vị tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton không làm được để bước hẳn… chân trái vào lịch sử Hoa Kỳ một cách vẻ vang hơn. Để thực hiện điều này, vừa nhậm chức với thời gian chỉ hơn nửa năm, nói nôm na là chưa ráo mực. Ông Obama đã tạo ra “cơn sốt” cho nước Mỹ qua Kế Hoạch Y Tế (Obama's Health Care Plan).

Phải nói rằng, đưa ra vấn đề cải tổ y tế lúc này, hiển nhiên Obama đang dẫn dắt quốc hội và dân chúng đi về một hướng khác. Đó là hướng Obama muốn mọi người quên đi đáp số bài toán kinh tế đang suy sụp như lời hứa lúc ra tranh cử, sau khi ông đã chi ra hết mấy ngàn tỷ đô la trong quỷ tiết kiệm, tiền hưu, tiền già của người dân.

Kế hoạch cải tổ y tế của tổng thống Obama không phải là đề tài mới, mà thuộc loại rượu cũ của tổng thống Bill Clinton, nhưng ông tổng thống này không làm được trọn vẹn để đem ra bán ngoài thị trường. Nay, Obama muốn chế biến lại và đựng trong một bình mới.

Với tình trạng thất nghiệp tràn lan, kinh tế suy thoái không biết đến chừng nào mới phục hồi. Nếu mọi người có được một bảo hiểm sức khỏe, thì còn gì bằng (?) Sự bén nhạy, tinh khôn của Barrack Obama là nhìn ra chỗ tâm lý này của con người. Tuy nhiên có bảo hiểm bằng cách nào, làm sao mà có và món hàng này của tổng thống Obama là hàng “Free” hay là hàng “On sale”? Muốn biết, xin hãy theo dõi những gì Obama trình bày.

Trong bài diễn văn đọc ngày 9 tháng 9 trước lưỡng viện quốc hội để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lập pháp, tổng thống Obama cho biết chính phủ sẽ thành lập một chương trình bảo hiểm y tế cho những người chưa mua bảo hiểm hoặc những ai không có chương trình Medicare hoặc Medicaid. Kế hoạch này không làm giảm quyền lợi của những người đang hưởng Medicare, mà chỉ là sự ngăn chận lãng phí, lạm dụng và gian lận. Đây là một chương trình bắt buộc, như lái xe phải mua bảo hiểm xe cộ. Người nào có lợi tức trên mức ấn định nghèo mà không mua bảo hiểm, thì sẽ bị phạt 950 đô-la một người và 3,8000 đô-la cho cả gia đình. Kế hoạch cải tổ y tế này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho các hãng xưỡng mua bảo hiểm cho nhân viên mình với giá rẻ. Kế hoạch sẽ đem lại cho hầu hết 45 triệu người không có bảo hiểm trở thành có bảo hiểm. Nếu dự luật được thông qua sẽ có khoảng 97% phần trăm dân Mỹ có bảo hiểm y tế. Chi phí thực hiện kế hoạch là 1,000 tỷ USD trong vòng 10 năm. Và cuối cùng ông Obama nhấn mạnh và khẳng định kế hoạch cải tổ không có ý tạo phúc lợi cho di dân bất hợp pháp trong mục đích chính trị như những kẻ xấu miệng, bảo thủ loan tin.
Trong bài diễn văn, ông Obama đã đem tên tuổi hai vị tổng thống tiền nhiệm ra vừa làm tấm chắn, vừa ngụ ý so sánh mình với hai vị tổng thống lỗi lạc kia. Đó là tổng thống thứ 32, Franklin Delano Roosevelt, thuộc đảng dân chủ. Ông Roosevelt là vị tổng thống Hoa Kỳ duy nhất đã tại chức hơn hai nhiệm kỳ từ năm 1933 đến năm 1945. Tổng thống Roosevelt được xem là một trong ba tổng thống kiệt xuất của Hoa Kỳ đứng bên cạnh các ông George Washington, vị tổng thống đầu tiên, một người không đảng phái và tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là ông Abraham Lincoln thuộc đảng cộng hòa.
Trong thời kỳ kinh tế suy thoái của thập niên 1930, Roosevelt đã lập ra chương trình “New Deal” để cứu trợ thất nghiệp, cải tổ hệ thống kinh tế. Nhưng đáng kể nhứt trong di sản của ông là lập ra hệ thống an sinh xã hội và cuộc chỉnh lý thị trường tài chính “Wall Street”. Người thứ hai Obama đem ra làm bình phong trong bài diễn văn là tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, ông Ronald Wilson Reagan thuộc đảng cộng hòa . Vị tổng thống này đã nỗi tiếng ngay trong bài diễn văn nhậm chức của mình ngày 20/1/1981. Ông Reagan đã nói: “Chính phủ không phải là giải pháp cho những vấn đề của chúng ta; mà chính phủ mới chính là vấn đề.” Là một tài tử đóng phim hạng B, ông Reagan bị coi là hoang tưởng khi đặt thành vấn đề “Stars War”. Nhưng trên thực tế, hiện nay, ý tưởng này của Reagan đã làm thay đổi toàn bộ cái nhìn trong chiến tranh, và cách hành xử của phần lớn thế giới. Ngoài ra, tổng thống Reagan còn đóng góp vào việc giải quyết chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, khiến ông trở thành một trong những tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Ông Obama nhắc tới ông Roosevelt và Reagan là sự gián tiếp so sánh kế hoạch y tế của mình có giá trị lịch sử chẳng thua gì ai.
Cuối cùng, ông Obama đã không ngại ngùng dứt điểm bài diễn văn bằng những lời lẻ gay gắt, nẩy lửa: “Xin hiểu rõ, tôi sẽ không làm mất thì giờ vì những kẻ tính toán muốn hủy diệt kế hoạch này thay vì tán đồng nó…Tôi không đứng yên để đợi những kẻ chỉ vì đặc quyền đang xử dụng chiến thuật cổ điển để duy trì tình trạng y tế cũ”. Rồi Obama hằn học bồi thêm : “Nếu quí vị cố tình suy diễn sai lạc nội dung chương trình, tôi sẽ mời quí vị ra ngoài lề”. Và ông đã không ngần ngại nói thẳng, đối với những khuynh hướng cải cách xã hội này. Không phải ông là người đầu tiên bị chỉ trích, mà trước đó tổng thống Roosevelt đã từng bị kết án là có tư tưởng cộng sản.
Qua sự trình bày của ông Obama. Câu hỏi đặt ở đây là lấy ở đâu ra để có 1,000 tỷ đô la để thực hiện kế hoạch khi ngân khố trống rỗng, chính phủ đang in tiền không ngừng ? Để trả lời, ai cũng nhìn thấy muốn có 1,000 tỷ, chỉ còn cách duy nhứt là móc túi người dân bằng cách gia tăng các sắc thuế mà thôi. Đây cũng là lý do giải thích sự dằn co, trả treo tại quốc hội cả tháng nay và người dân xuống đường biểu tình phản đối tại nhiều nơi.
Người Mỹ là một dân tộc thích hàng “Free” và hàng “On sale”. Bảo hiểm do nhà nước quản lý với giá rẻ là giá hàng …“On sale”. Nhưng “On sale” bao nhiêu phần trăm? Kế hoạch của Obama không đưa ra được con số dù là… ước đoán. Nên đã khiến nhiều người chán ngấy và ngờ vực, đặc biệt là dân nghèo hồ nghi về miệng lưỡi của con người. Hơn nữa, lại là một người được khen là có tài ăn nói.
Phải nói rằng, hiện nay trên thế giới hệ thống y tế của Mỹ luôn đứng hàng đầu. Hàng năm chính phủ đài thọ 2 ngàn 200 tỷ đô la để lo việc chăm sóc y tế cho người dân. Con số này đã chiếm tỷ lệ 16% trong tổng số GDP quốc gia. Với số chi phí lớn lao như vậy, nhưng vẫn còn có gần 50 triệu người không có khả năng mua bảo hiểm y tế. Trong khi ấy những người có bảo hiểm, họ chỉ được hưởng một số dịch vụ nhất định không quá 25 triệu người. Như vậy thử hỏi, phải chăng kế hoạch y tế của Obama trong 10 năm tốn 1,000 tỷ để đem đến bảo hiểm đến cho mọi người là chuyện nói vậy nhưng không phải vậy? Nói vậy nhưng không phải vậy hàm ý đề cập đến việc không đúng với sự thật. Lý thuyết cộng sản đưa ra “làm theo năng xuất, hưởng theo nhu cầu” nghe qua rất hấp dẫn, nhưng là cái bánh vẽ. Vì nếu là bánh thực, thì không còn có ai cố gắng để làm việc.

Bánh vẻ lúc nào trông cũng ngon, đẹp mắt. Lời nói đường mật bao giờ nghe cũng bùi tai cho dù là lời nói dối, nhưng người ta vẫn thích nghe. Rồi đây, kế hoạch y tế của tổng thống Obama nếu được quốc hội thông qua có tốt đẹp như ý muốn của mọi người, hay chỉ là bánh vẻ thì thời gian sẽ trả lời. Nhưng nhìn hình ảnh gia đình bốn người da màu đứng trước một toà nhà trắng toát, người ta không thể phủ nhận đó là tấm gương phản chiếu hình ảnh mầu nhiệm, tuyệt vời của thể chế dân chủ, tự do. Đây là giá trị tuyệt đối trong tương đối mà mọi sắc dân đang cư ngụ tại Hoa Kỳ cần học hỏi, trong đó có thế hệ thứ hai của Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại.

• Đặng thiên Sơn (14/10/09)

No comments:

Post a Comment