Cho đến giờ phút này, phải nói rằng, đối với anh hàng xóm Việt, Trung Cộng đã lộ rõ tâm địa xấu của một người láng giềng khổng lồ. Một thứ khổng lồ thời mới bạo ngược không sợ một ai, một thứ gì, kể cả lẽ phải trên đời.
Nhưng nhìn vào phản ứng của thế giới và nhất là phản ứng của thế giới Hồi Giáo sau biến cố Tân Cương, liệu người khổng lồ bạo ngược Bắc Kinh lần này có còn là kẻ ”Không biết sợ là gì” nữa hay không ?“
Dựa vào tin tức loan tải trên nhiều mặt báo lớn, những quan sát viên sẽ không quá lời khi đưa nhận xét rằng người khổng lồ bạo ngược Trung cộng hiện đang khá nao núng. Sau biến cố nổi loạn đẫm máu chống Hán hóa của người Hồi Giáo Uighurs ở Tân Cương, ngoài sự ủng hộ duy nhất của CSVN, còn thì Trung cộng đã đụng phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của quốc tế trước việc họ dùng bạo lực làm chính sách giải quyết vấn đề sắc tộc, đưa đến hậu quả 192 người thiệt mạng, 1.600 người bị thương và quãng 1.500 người bị giam giữ. Trước phản ứng của quốc tế, đặc biệt của thế giới Hồi Giáo, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã biết quan ngại về lá cờ Ngũ Tinh của họ. Năm ngôi sao biểu tượng sự gắn bó cho năm sắc dân Hán Mông Mãn Tạng Hồi xem ra chẳng có ngôi nào còn muốn đứng cạnh ngôi nào.
Phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ một quốc gia có lẽ là Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía dân chúng, theo ghi nhận của báo The Christian Science Monitor, nhiều cuộc biểu tình lớn đả đảo Trung cộng đã diễn ra trên các đường phố. Về phía chính quyền, Bộ trưởng Bộ Kỹ nghệ và Thương mại Thổ tuần qua đã kêu gọi tẩy chay hàng hòa Trung cộng; quan trọng hơn, đương kim thủ tướng Erdogan đã tuyên bố trên hệ thống truyền hình Thổ rằng: “Những biến cố xảy ra ở Trung quốc, nói một cách giản dị là tương đương với sự diệt chủng, và không còn cách diễn dịch nào khác hơn được nữa.”
Chúng ta nên biết trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng chính sách ngoại giao và trở nên một thực lực kinh tế chính trị trong vùng. Tổng thống Thổ, ông Abdullah Gul đã từng chính thức thăm thủ phủ Urumqi của Tân Cương chỉ một thời gian ngắn trước khi biến cố mùng 5 tháng 7 xảy ra. Trong chuyến viếng thăm Trung cộng ấy, Thổ đã ký với Bắc Kinh nhiều hợp đồng thương mại trị giá lên tới 1.5 tỷ Mỹ kim.
Để yểm trợ cho lập trường lên án Bắc Kinh của thủ đô Ankara, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt lớn tiếng tố giác Bắc Kinh tàn sát “những người anh em Uighurs” của họ.
Gọi người Uighurs là anh em, người Thổ có lý do của họ. Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có nhiều thiện cảm và coi người Uighurs như anh em ruột thịt. Theo nhà báo Sami Kohen của tờ nhật báo Milliyet thì nguyên thuỷ người Thổ đến từ Á Châu, và ngôn ngữ người Uighurs đang dùng gần gũi với ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác ở Trung Á. Lá cờ chính thức của tổng thống Thổ có đến 16 ngôi sao đại biểu cho 16 tiểu bang Thổ từng có trong suốt chiều dài lịch sử. Một trong những ngôi sao ấy biểu hiện cho sắc dân Uighurs từng hiện diện trong lịch sử Thổ quãng thế kỷ thứ 8. Cho đến hiện nay, cộng đồng người Uighurs vẫn là một cộng đồng lớn trên đất Thổ. Họ hoạt động rất mạnh trong việc bảo vệ chính nghĩa tranh đấu chống làn sóng Hán hóa ở Tân Cương do Trung cộng thực hiện.
Trước phản ứng quá mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ, phía Bắc Kinh mới đầu nao núng, sau thì phản công. Họ vận dụng một số dư luận vệ tinh để bắn tiếng rằng phản ứng quá đáng của Thổ sẽ lợi bất cập hại cho chính Thổ. Tờ Nhật Bác, ấn bản Anh ngữ, do nhà nước Trung cộng kiểm soát, trong bài xã luận hôm thứ Ba 14 tháng 7 đã thúc giục thủ tướng Erdogan hãy “rút lại lời nói vì nó can thiệp vào việc nội bộ của Trung quốc.” Cùng lúc, theo Tân Hoa Xã, ngoại trưởng Trung cộng Yang Jiechi đã điện thoại cho ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, can rằng Thổ không nên hậu thuận cho người Uighurs vì cuộc bạo động của họ mang đủ ba tính xấu xa là “chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa khủng bố”.
Có lẽ Bắc Kinh không biết những lời can ấy vô nghĩa với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đang kinh qua những cuộc khủng bố và bạo động gây ra bởi những người Hồi giáo cực đoan và những người Kurd ly khai!
Và có thể Bắc Kinh cũng chưa biết rằng thủ tướng Erdogan đang cân nhắc xem có nên mời bà Rebiya Kadeer đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ theo lời yêu cầu của bà hay chăng. Bà hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, bị Bắc Kinh cáo buộc bị Mỹ giựt dây và coi như nhân vật lưu vong lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Uighurs ở Tân Cương.
Bắc Kinh có thể chỉ nao núng trước phản ứng của quốc tế và đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chắc hẳn họ không thể khinh thường lời đe doạ đã được chính thức loan ra từ lực lượng khủng bố Al Qaeda.
Theo tờ The Daily Telegraph của Anh quốc, tổ chức Stirling Assynt, một hệ thống tình báo toàn cầu có trụ sở ở Luân Đôn và Hương Cảng chuyên theo dõi, khuyến cáo và cố vấn về những hiểm họa sẽ xảy ra, đã lần đầu tiên loan đi lời đe doạ của nhóm Al Qaeda trong tổ chức Islamic Maghreb, gọi tắt là AQIM, một chi nhánh của Al Qaeda ở Bắc Phi. Nhóm này tuyên bố rằng họ thề sẽ tấn công vào lực lượng 50 ngàn công nhân Trung cộng đang làm việc ở Algeria và hàng trăm ngàn công nhân khác đang lao động rải rác trên lục địa này. Mục đích là để trả thù cho sự đàn áp đẫm máu của nhà nước Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương.
Cũng cần biết trên con đường xây dựng danh tiếng siêu cường, Bắc Kinh đã hết lòng ve vãn thế giới Hồi giáo. Sự đầu tư và những công trình xây dựng lớn lao của họ có thể sẽ biến thành những mục tiêu của quân khủng bố bất cứ lúc nào.
Cơ quan Stirling Assynt cũng cảnh cáo thêm rằng mặc dầu hiện nay mới chỉ có nhóm AQIM lên tiếng sẽ trả thù, nhưng “nhiều nhóm khác có thể sẽ theo gương,” vì họ cũng khám phá ra trên hệ thống liên mạng, những cuộc thảo luận đã gia tăng giữa nhiều nghi can sẵn sàng tử đạo của Hồi giáo, đã bàn thảo với nhau về “nhu cầu rửa hận cho những sự bất công đã rõ ràng ở Tân Cương.” Trong số những kẻ thảo luận ấy đã có nhiều cá nhân đang tích cực truy tìm tin tức về các quyền lợi của Trung cộng trong thế giới Hồi Giáo, điển hình ở Bắc Phi, Sudan, Pakistan và Yemen. Vẫn theo Stirling Assynt, những nơi này có thể được quân khủng bố dùng làm mục tiêu phá hủy.
Trước những lời cảnh báo như thế, tờ The Times ở Luân Đôn ghi nhận được sự lo lắng của phía Trung cộng. Người khổng lồ Bắc Kinh đã và đang mở rộng ảnh hưởng ở tất cả các nước đang phát triển đã nói với những chính phủ địa phương bằng giọng khiêm tốn rằng họ chỉ là “những người bạn đến tự một nước cũng đang phát triển… và không phải là những chủ nhân ông thuộc địa hay kẻ thù.” Còn về phần các công nhân Trung cộng đang lao động ở hải ngoại thì bày tỏ rằng họ “cảm thấy yếu thế trước việc bắt cóc hoặc tấn công của quân khủng bố” nếu việc này xảy ra.
Trước những mối đe dọa có thể xảy đến từ các nhóm khủng bố Hồi Giáo, ngày 15 tháng 7 Bắc Kinh đã chính thức cảnh báo các công dân của họ sống và làm việc ở Algeria phải luôn luôn cảnh giác đề phòng.
Nhưng đó mới chỉ là nói về Bắc Phi và một số vùng có sự hiện diện và sự đầu tư nhân vật lực của Bắc Kinh.
Theo tin của hãng Reuters, nhà nước Trung cộng cũng đã gia tăng việc bảo vệ an ninh cho toà đại sứ của họ tại Phi Luật Tân, quốc gia đang có chiến tranh với tổ chức phiến loạn có liên hệ với Al Qaeda ở các đảo phía Nam của quốc gia này.
Trong khi đó tờ The Jakarta Globe loan tin sự thù hận Trung công đang lan tràn mạnh trong thế giới Hồi giáo với nhiều cuộc biểu tình bài Hoa được tổ chức trước các toà đại sứ Trung cộng.
Vấn đề đã căng thẳng đến độ, theo hãng tin AP, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung cộng đã xin các quốc gia Hồi Giáo “hãy thông cảm cho hoàn cảnh của Trung quốc, và phủ nhận việc đáp ứng trước vụ Tân Cương làm tổn hại tới thế giới Hồi Giáo”.
Mới nhất, thứ Sáu 17 tháng 7 vừa qua, ký giả Kristen Chick của báo The Christian Science Monitor đã gửi bản tin đi từ Iran cho biết tiếng hô “Xử Tử Nước Tàu” đã vang lên ở nước này. Điều mỉa mai là Nga và Tàu là hai nước đã nhanh chóng thừa nhận kết quả cuộc bầu cử do tổng thống đương nhiệm … tổ chức, bị phe đối lập tố cáo gian lận, đưa đến cuộc biến động đổ máu đến nay chưa yên ở nước này.
Bản tin viết rằng: “Hôm thứ Sáu ở Iran, vai trò ‘đại ác quỷ Satan’ của Hoa Kỳ có nhẹ đi đôi chút, khi những người chống đối chế độ thần quyền độc tài và ủng hộ cựu ứng cử viên tổng thống Mir Hossein Mousavi xoay mũi dùi về phía hai đối thủ của Mỹ để hô to: “Xử tử nước Tàu! Xử tử nước Nga!”…
Loài người từng tò mò trước sự rêu rao về cái gọi là chủ nghĩa anh hùng của người Cộng sản nói chung, cho đến tết Mậu Thân xảy ra ở Việt Nam, lúc cả thế giới vỡ lẽ ra rằng để thực hiện chủ nghĩa ấy, cách duy người cộng sản có được là xích những chiến binh trẻ tuổi của họ vào các cỗ pháo phòng không, các công sự chiến đấu, các ổ vũ khí nặng.
Từ đây, siêu cường tương lai Trung cộng với chủ nghĩa anh hùng kiểu của họ sẽ có nhiều cơ hội chạm mặt với khủng bố Al Qaeda, và sẽ cho cả thế giới dịp kiểm điểm lại xem có thực người khổng lồ Bắc Kinh là kẻ không hề biết sợ.
Tuyết Lê- Sydney
No comments:
Post a Comment