Saturday, August 8, 2009

Thông Tin Hữu Ích Cho Chủ Nhà Đang Gặp Khó Khăn

Những Kẻ Khai Sinh Ra Loại Nợ Subprime Loan Lại TiếpTục Lừa Gạt Những Chủ Nhà Xấu Số

Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader's Digest tháng 8/09

Nạn lừa bịp trong việc mượn nợ để mua nhà tiếp tục với hình thức văn phòng cố vấn giúp chủ nhà đang gặp khó khăn.


Hai vợ chồng ông bà Murry và Jacki Smith ở Toledo, tiểu bang Ohio đang gặp khó khăn về tài chánh vì dịch vụ chuyên chở hàng bằng xe vận tải của ông Smith bị xuống dốc thê thảm. Sáu tháng nay, hai ông bà không thể trả nợ ngân hàng tiền vay mua nhà loại “subprime loan”. Họ nhận được giấy báo sẽ bị ngân hàng xiết nhà trong thời gian sắp tới. Hàng ngày, hai người nhận được những tờ giấy quảng cáo bỏ trong thùng thư với những lời mời gọi rất hấp dẫn, như: “Bạn có muốn giữ nhà của mình hay không?” hay “Bảo đảm chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết đuợc mối lo bị ngân hàng xiết nhà.”. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng ông Murry Smith, 42 tuổi, đành nhấc điện thoại gọi cho văn phòng mệnh danh là Foreclosure Solutions để nhờ công ty này cố vấn giúp gia đình ông sửa đổi nợ ngân hàng, và giữ căn nhà cho mình.

Ông Smith kể lại: “Một đại diện của công ty này đến gặp hai vợ chồng tôi. Họ mang theo một tập những lá thơ khen ngợi, cảm ơn của những chủ nhà đã được họ giúp đỡ.”. Và họ yêu cầu ông Smith đưa trước $1,200 để họ làm thủ tục sửa nợ cho vợ chồng ông. Nhưng rút cuộc, theo ông Smith: “Họ chẳng hề làm một việc gì có ích lợi cho chúng tôi cả.Họ chỉ bỏ túi số tiền chúng tôi phải trả trước, rồi bỏ đi.”.

Tháng Năm vừa qua, tòa án ở Ohio quyết định đóng của văn phòng cố vấn đổi nợ Foreclosure Solutions. Nhưng mọi việc đã quá trễ. Vợ chồng ông bà Smith bị lấy nhà, phải khai khánh tận, và họ còn bị lừa gạt mất thêm một số tiền cho bọn lưu manh, mệnh danh là văn phòng cố vấn sửa đổi nợ. Hai vợ chồng ông bà Smith phải dọn về South Dakota ở chung với cha mẹ ruột của ông Smith. Ông cay đắng nói: “Có rất nhiều kẻ gian, lập ra những công ty ma để lừa gạt những chủ nhà đang lâm hoàn cảnh tuyệt vọng như chúng tôi. Đùng tin vào những lời hứa hẹn của những công ty này.”.

Vào lúc mọi người hy vọng cơn khủng hoảng thị trường nhà cửa vì nạn “subprime loan” sẽ trôi qua, và lắng dịu, chính những kẻ xúi dục người khác vay nợ bằng loại “subprime loan” bây giờ lại tái xuất hiện để lừa gạt những con nợ này thêm một lần nữa. Động lực chính xui khiến chúng làm những trò gian manh này là để làm giầu nhanh chóng. Theo cơ quan FBI, nạn khai man giấy tờ về mortgage loan đã tăng gấp đôi từ năm 2007 đến nay. Có đủ loại hình thức khai man, từ việc giả mạo chứng từ lương bổng, chứng từ thuế vụ, đến giấy xác nhận giả cho vay tiền vân vân..

Chúng ta không thể tin đuợc rằng chính những tên làm hồ sơ “subprime loan” gian trá trước đây, bây giờ lại tái xuất hiện trong một trò lừa gạt kiểu mới. Chúng định tạo ra một loại bong bóng giá cả mới trên thị trường nhà cửa. Theo nhật báo The New York Times, trong tháng Tư vừa qua, cứ 10 căn nhà bỏ trống ở Phoenix, thì có 4 căn được mua lại bằng một người mua khiếm diện. Bọn đầu cơ vay tiền mua những căn nhà này với giá thấp để hy vọng giá trị căn nhà sẽ tăng trở lại.

Lần này, các ngân hàng trải qua kinh nghiệm đau thương cũ, nên họ điều tra tỉ mỉ về lý lịch, và khả năng tín dụng của người mua, phải có lợi tức cao, và có công ăn việc làm vững chắc.Những tay đầu cơ lại ra sức làm hồ sơ xin vay với chứng từ giả. Bạn có thể tưởng tượng người ta có thể mua được phiếu W-2, tức phiếu báo cáo lương bổng qua internet.

Theo cuộc điều tra mới đây, có đến 61% hồ sơ xin vay nợ giả mạo chứng từ. Rất khó mà có thể biết đích xác người mua nhà nào ở tình trạng có thể bị phá sản.

Tuy nhiên, táo bạo nhất phải nói là những kẻ lợi dụng tình trạng tuyệt vọng của các chủ nhà sắp bị xiết nhà. Đó là trường hợp của người chuyên viên điạ ốc tên là Joy Jackson. Y thị lập ra một kế hoạch gạt chủ nhà rất qui mô bằng cách thuyết phục những chủ nhà trong khu vực thủ đô Hoa Thịnh Đốn ký vào Văn tự chủ quyền (title) cuả căn nhà cho người thứ ba, để người này thu xếp trả nợ tiền vay ngân hàng. Những người mua lại căn nhà này chính là nhân viên trong công ty điạ ốc của y thị. Về nguyên tắc, những người này có trách nhiệm sửa chữa hồ sơ tín dụng cho chủ nhà, để giúp ổn định hồ sơ nợ ngân hàng.

Nhưng Joy Jackson liều lĩnh để những nhân viên của y thị dùng căn nhà của nạn nhân để vay nợ mới,(taking out new loans against the homes' existing equity) và Joy Jackson đút túi khoản tiền này, sau đó hoàn trả văn tự lại khổ chủ. Công tố viên ước tính rằng Joy Jackson đã lừa gạt khoảng $35 triệu đô la trước khi y thị bị bắt giam. Y thị dùng tiền lưà gạt để tổ chức một đám cưới tốn kém $800,000 trong đó một người dự đám cưới được tặng một chiếc xe Porche, và mời cả ban nhạc lừng danh chơi trong đám cưới này. Ra toà, Joy Jackson nhận hết tội trạng, và bị kết án 30 năm tù.

Thực ra, có một số người dùng căn nhà để lấy tiền ra dùng vào nhiều việc hữu ích. Nhưng có rất nhiều ngươì sử dụng phương pháp này một cách vô trách nhiệm, nên mới làm nẩy sinh ra tình trạng khủng hoảng hiện nay. Đó chính là trường hợp chúng tôi muốn kể ra ở đây: Công ty tài chánh khổng lồ Countrywide Financial bị tai tiếng rất nhiều về tội đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh bằng việc cung cấp loại “suprime loan”. Họ xúi dục hàng ngàn người mua nhà ký nhận vay những khoản nợ mà chắc chắn sau này không thể trả nổi.Công ty chủ quản của Countrywide Financial bị phạt vạ $8.6 tỉ đô la về hành vi phi pháp này. Vậy mà, cựu chủ tịch công ty này là Stanford L. Kurland vừa cùng với 11 tay chuyên viên cao cấp lại mới đẻ ra một công ty mới lấy tên là Penny Mac. Kurland thú nhận y đang định lèo lái công ty của y vào con đường cũ. Cá nhân của Kurland chưa bị truy tố. Theo các chuyên viên của y, hoạt động kinh doanh ban đầu của Penny Mac rất khả quan.

Rõ rệt là kỹ nghệ kinh doanh thị trường điạ ốc cần phải được giám sát chặt chẽ. Chúng ta sẽ không thể nào phục hồi nền kinh tế được nếu cứ tiếp tục để thị trường cấp tín dụng mua nhà tiếp tục làm ăn gian dối. Nhưng thực tế cho thấy không có đủ biện lý công tố để nghiên cứu, và truy tố hết những hồ sơ mờ ám này. Năm ngoái, Bộ Ngân Khố nhận được 62,000 báo cáo về những vụ gian trá trong việc cấp nợ vay để mua nhà (mortgage fraud). Cùng lúc đó, số hồ sơ cần điều tra bên FBI cũng tăng gấp đôi. Quốc Hội Hoa Kỳ vừa cấp thêm một ngân khoản $265 triệu đô la cho FBI để điều tra về những vụ cho vay gian lận, tăng số nhân viên điều tra từ 250 người lên đến 410 người. Đây là một buớc khởi đầu rất tốt, nhưng số điều tra viên cần để đối phó với những gian lận tài chánh vẫn còn dưới mức hồi thập niên 1990 .

Dân biểu Dennis Moore, tiểu bang Kansas đề nghị một dự luật qui định chặt chẽ về việc người đứng đơn xin vay tiền phải cung cấp chứng từ có việc làm, và mức lương cho cơ quan cho vay tiền. Đây là một giải pháp rất hay, gỉai quyết tận gốc rễ những gian trá trong kỹ nghệ cho vay. Dự luật này đã được Hạ Viện chấp thuận, và đang chờ Thượng Viện nghiên cứu, bỏ phiếu.

Trên qui mô lớn hơn, Tổng thống Obama đã hứa là sẽ diệt cho được chu lỳ “thổi phồng giá, rồi cho nổ bong bóng” trong các hoạt động đầu tư của nền kinh tế, bằng cách qui định gắt gao luật lệ kinh doanh, ngăn chặn nạn đầu cơ giá cả nhà cửa. Tổng thống có thể sẽ bổ nhiệm một viên chức cấp liên bang có trách nhiệm canh chừng thảm hoạ đầu cơ, làm giá, và làm áp lực buộc các ngân hàng phải thu hẹp hoạt động cho vay tiền để ngăn cản những người mua nhà có nhiều rủi ro, vì mang nặng tính chất đầu cơ.

Tuy nhiên, các biên pháp áp dụng luật lệ chặt chẽ chỉ có tính cách đoản kỳ. Về lâu dài, chúng ta cần phải giáo dục giới tiêu thụ về hậu qủa nguy hại của việc đầu tư trong thị trường nhà cửa, và giúp những người đang gặp khó khăn tìm được sự trợ giúp chính đáng từ chính phủ liên bang, không để bị rơi vào bẫy của đám lưu manh mệnh danh là “cố vấn đổi nợ”. Chính phủ nên thẳng tay trừng trị những kẻ lợi dụng tình trạng tuyệt vọng của chủ nhà đang gặp khó khăn với ngân hàng, cướp tay trên những căn nhà của các khổ chủ này.

Thông Tin Hữu Ích Cho Chủ Nhà Đang Gặp Khó Khăn

Nơi giúp đỡ tốt, lương thiện: Tổ chức The Home-ownership Preservation Foundation có thể gởi đến bạn một cố vấn chuyên nghiệp, của chính phủ liên bang đến góp ý kiến cho bạn làm thế nào để giữ lại được căn nhà. Hoàn toàn miễn phí. Số điện thoại là 888-995-4673.

Hãy đề cao cảnh giác: Khi bạn linh cảm thấy một tổ chức nào có vẻ gian ý. Hãy gọi cho Bộ Trưởng Tư Pháp của tiểu bang, hay cơ quan FBI điạ phương để báo động. Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang California Jerry Brown vừa mới ra lệnh đóng cửa 5 tổ chức “cố vấn sửa nợ” kiểu này.

Hãy tự học hỏi thông tin cho bản thân: Bộ Phát Triển Gia Cư và Đô Thị viết sẵn những tài liệu chỉ dẫn người tiêu thụ về những loại cho vay có gian ý, và làm cách nào để bảo vệ chủ nhà. Điạ chỉ website: hud.gov/consumer.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader's Digest tháng 8/09

(*nguồn: http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090808_03.htm )

No comments:

Post a Comment